Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhịp sống bình thường sẽ trở lại nếu chúng ta đồng lòng...

Bảo Hân| 05/09/2021 15:44

(HNMO) - Từ 6 h sáng ngày mai 6-9, Hà Nội bước vào giai đoạn giãn cách mới theo 3 vùng, trong đó "vùng đỏ" tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó". Người dân Thủ đô sẽ tiếp tục đối mặt với những bất lợi, khó khăn trong cuộc sống. Song cũng như giai đoạn vừa qua, sự ủng hộ, tham gia trực tiếp của đông đảo nhân dân trong phòng chống dịch với tinh thần tự giác, tự nguyện cao sẽ là "vũ khí" để Hà Nội chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Sau 3 đợt giãn cách xã hội, Hà Nội tổ chức phân vùng để kiểm soát dịch phù hợp với mức độ nguy cơ. Ảnh minh họa - T.Hoa 

Sáng 5-9, hơn 2,1 triệu học sinh và gần 159.000 cán bộ, giáo viên tại Thủ đô Hà Nội thực hiện một lễ khai giảng chưa từng có cho năm học mới 2021-2022, lễ khai giảng online. Hình ảnh những học sinh tiểu học vai mang khăn quàng đỏ nghiêm trang chào cờ trước màn hình hay những nữ sinh thướt tha trong tà áo dài trắng được chia sẻ trên các trang mạng xã hội khiến nhiều người xúc động. Bởi các em đã sẵn sàng tâm thế cho một năm học mới “không đến trường nhưng không ngừng việc học”.

Từ việc học nhìn rộng ra là trăm việc khác của một đô thị hiện đại với 10 triệu dân, một thành phố Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế năng động đã và đang phải thích ứng, thích nghi với tình hình mới, mối đe dọa của dịch bệnh, những ứng phó phi truyền thống. Cuộc sống của từng cá nhân, từng cộng đồng bị tác động, nằm ngoài sức tưởng tượng. Và mong muốn được trở về trạng thái “bình thường mới” là mong mỏi của bất cứ ai, hơn khi nào hết.

Tuy nhiên, chỉ có thể trở lại cuộc sống bình thường khi mỗi ngày, mỗi người đều góp sức bằng việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch mà thành phố triển khai.

Đợt dịch thứ tư được đánh giá là khốc liệt nhất với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Từ ngày 27-4 đến nay, đã có gần 507.000 ca nhiễm, trong tổng số hơn 511.000 ca kể từ đầu dịch ở nước ta đến nay. Con số đau lòng hơn, tính đến nay, tổng số ca tử vong do Covid-19 là 12.793 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc. Tại Hà Nội, tổng số ca mắc trong đợt dịch thứ tư đã là 3.480 ca.

45 ngày cộng dồn của 3 đợt giãn cách xã hội là quãng “thời gian vàng” đã giúp thành phố kiểm soát tình hình dịch bệnh, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, nhân dân tin tưởng, đồng tình với các giải pháp của Trung ương, thành phố.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh về cuối đợt giãn cách thứ ba đã chỉ rõ tại một số khu vực có mật độ dân cư cao, nhiều ngõ, ngách nhỏ, nhiều nhà chung cư cũ, các chợ dân sinh, các khu vực phong tỏa còn biểu hiện chủ quan, lơ là trong thực hiện giãn cách xã hội. Có nơi còn hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”, khiến các ca bệnh mới vẫn phát sinh trong cộng đồng, khu phong tỏa, tại các khu chợ dân sinh, siêu thị mà không rõ nguồn lây.

“Ai ở đâu ở yên đó” vẫn là thứ vũ khí chống dịch hiệu quả nhất mà mỗi người dân tự giác thực hiện, góp sức cùng thành phố.

Bởi vậy, việc tổ chức phân vùng để kiểm soát dịch phù hợp với mức độ nguy cơ là rất cần thiết. Trong đó, việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí ở mức độ cao hơn đối với các khu vực có nguy cơ cao phải được tổ chức chặt chẽ, thực chất, hiệu quả nhằm mục tiêu cao nhất là ngăn chặn nguy cơ bùng phát, lây lan mạnh của dịch bệnh, vừa giúp bóc tách triệt để nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng. 

Cấp giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng, lập chốt tăng cường kiểm tra giám sát người ra đường nhằm tổ chức chặt chẽ, thực chất và hiệu quả hơn việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhanh chóng kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh là để bảo vệ sức khỏe người dân, sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái "bình thường mới".

Việc ban hành những quyết sách chống dịch quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời và linh hoạt luôn được thành phố xây dựng trên quan điểm lấy người dân là trung tâm, là chủ thể. Và khi triển khai thực hiện các đồng chí lãnh đạo thành phố luôn yêu cầu các cấp ngành tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và tự giác thực hiện.

Thực tế cuộc sống luôn phát sinh muôn hình vạn trạng các tình huống với muôn vàn các nhu cầu của người dân mà không một quy định nào có thể đáp ứng đầy đủ. Thành phố trong khó khăn của những tháng ngày lịch sử, khó khăn chưa từng có tiền lệ, cần hơn khi nào hết sự chia sẻ, đồng hành, ủng hộ, và tự giác thực hiện của người dân. Chỉ có sự đồng hành, chung sức của mỗi người dân thành phố chúng ta mới có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu mà vì nó cả nước và thành phố đã phải hy sinh lợi ích kinh tế.  

Bớt một chút nhu cầu, điều chỉnh một chút nếp sống, thói quen sinh hoạt để thích ứng với những bất tiện của việc giãn cách xã hội trong những “vùng đỏ”. Hạn chế tối đa việc ra đường khi không có việc cấp thiết nên gắn với suy nghĩ đơn giản, bước chân của bạn ra đường ngày hôm nay có thể mang mầm bệnh về cho cơ thể, cho gia đình, ảnh hưởng đến cả khu phố, cộng đồng. Câu chuyện một người bán bún ốc “online” dương tính với vi rút khiến cả khu dân cư 4.000 người bị phong tỏa vừa xảy ra trong dòng thời sự chống Covid-19 của thành phố là một ví dụ điển hình. 

Những hy sinh về kinh tế, thu nhập là những hệ lụy không ai mong muốn. Thế nhưng, những hy sinh ấy là đáng giá để bảo vệ cho giá trị lớn nhất, thật nhất, là sức khỏe, an toàn tính mạng của mỗi người. 45 ngày chống dịch không mệt mỏi đã qua và thành phố cần mỗi người dân tiếp tục đồng hành, ủng hộ, thấu hiểu, cảm thông và tự giác thực hiện các biện pháp chống dịch.

Nhịp sống bình thường sẽ trở lại gần hơn nếu chúng ta cùng đồng lòng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhịp sống bình thường sẽ trở lại nếu chúng ta đồng lòng...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.