(HNMO) - Sáng 21-10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) tổ chức hội nghị “Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)”.
Ông Đặng Đức Mai, Chủ tịch Hội Tin học viễn thông Hà Nội (HANICT) cho rằng, sau 15 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cần phải sửa đổi nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 52/NQ-TƯ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia; khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt là đối với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; luật hóa các vấn đề thực tiễn yêu cầu và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Đức Mai, dự thảo có những quy định chưa phù hợp với phạm vi và mục tiêu chung của luật, tạo nên sự trùng lặp, chồng chéo với một số quy định pháp luật khác; thậm chí là mâu thuẫn với luật chuyên ngành. Các dịch vụ như dịch vụ Internet, dịch vụ viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây hay dịch vụ nền tảng số hiện đang được điều chỉnh bởi những luật có liên quan như Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ, các nghị định về quản lý hoạt động Internet, thương mại điện tử... Việc quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ này như trong dự thảo là không cần thiết và không có ý nghĩa trong việc quản lý hay thúc đẩy các giao dịch điện tử. Những quy định này cũng không phù hợp với các thông lệ quốc tế hay các luật khung về giao dịch điện tử của các tổ chức quốc tế.
“Phần lớn Luật Giao dịch điện tử của các quốc gia khác trên thế giới chỉ tập trung vào quản lý tính pháp lý của các phương tiện hoặc yếu tố điện tử của các giao dịch như chữ ký số, chứng thư điện tử, hợp đồng điện tử... chứ không quản lý các dịch vụ số hoặc nền tảng liên quan. Mặt khác, những biện pháp các cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện nhằm hạn chế và bảo vệ giao dịch điện tử trong dự thảo là quá chặt chẽ và có thể dẫn tới sự lạm quyền hoặc lợi ích nhóm”, ông Mai nhấn mạnh.
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội đánh giá, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được xây dựng rất công phu, chi tiết, đã phần nào khắc phục được những bất cập, khó thực thi trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Luật hiện hành, đồng thời, đưa vào dự thảo Luật những hình thức kinh doanh mới phù hợp với nền kinh tế kỹ thuật số dựa trên nền tảng trực tuyến đang ngày càng rộng mở. Trong Dự thảo Luật đã đưa được một phương thức kinh doanh mới (bán hàng online), phân định tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng.
Trong dự thảo có quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng: “Phải kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tiêu dùng bền vững, không trái thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác”. Theo ông Tuyến, quy định này chưa khả thi, vì đối với một số loại hàng tiêu dùng hằng ngày, người tiêu dùng có khả năng phát hiện được khi không đạt yêu cầu, nhưng có rất nhiều loại hàng hóa không thể dùng mắt thường để đánh giá về chất lượng, ví dụ như thuốc tây, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc hàng tiêu dùng bị ngâm tẩm hóa chất... thì cần có chuyên môn, máy móc mới phát hiện được. Vì vậy, cần có một cơ chế quản lý tốt hơn sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, lên mạng..., chứ không thể để người tiêu dùng lựa chọn và có nghĩa vụ với lựa chọn của mình.
Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp hội Hà Nội Lê Xuân Rao cảm ơn các ý kiến đóng góp xác đáng và cho biết, các ý kiến sẽ được tập hợp, trở thành tư liệu quan trọng giúp Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đóng góp với Ban soạn thảo hoàn thiện các luật chính xác và phù hợp nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.