Sáng 12-9, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Khoa học và Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam tổ chức hội thảo “Tác động của việc xây dựng Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến nêu rõ: Dự án Thành phần 3: Đầu tư xây dựng Đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm quốc gia.
Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, với quy mô tổng chiều dài toàn tuyến 113,5km, qua 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh; tổng mức đầu tư 55.052 tỷ đồng, thời gian thu phí 25 năm. Dự kiến, dự án cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào sử dụng năm 2027.
Tuy nhiên, để dự án về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và hiệu quả thì cần xem xét kỹ lưỡng các bài toán liên quan đến: Hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội, quyền lợi của nhà đầu tư, phương án kết nối và tổ chức giao thông, giải phóng mặt bằng, dân cư, môi trường, cảnh quan, không gian...
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Hậu (Trường Đại học Giao thông Vận tải) đánh giá, xây dựng Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội là hết sức cần thiết và cấp bách. Hiện nay, đường vành đai 3 Hà Nội mặc dù có 4 làn xe cao tốc trên cao và 6 đến 10 làn xe trên tuyến đường song hành bên dưới nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra nghiêm trọng do lưu lượng xe quá lớn. Với lưu lượng xe lớn, việc áp dụng hình thức đối tác công tư (PPP) là khá phù hợp với dự án đường Vành đai 4, song khó bù đắp được chi phí đầu tư cho đoạn cao tốc.
“Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, với các dự án BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) tại Việt Nam, nếu tổng mức đầu tư dưới 12.000 tỷ đồng, phương án tài chính mới khả thi trong thời điểm hiện nay. Các dự án có phương án tài chính trên 20.000 tỷ đồng đều không khả thi, bất kể lưu lượng lớn vì chi phí lãi vay quá cao”, TS Hậu nhấn mạnh.
Theo TS Hậu, chỉ có thể triển khai được hình thức đầu tư BOT khi có sự phối hợp giữa Nhà nước và nhà đầu tư để cùng tham gia thực hiện dự án. Hiện nay, phương án Vành đai 4 cao tốc chủ yếu đi trên cao, các diện tích đất dưới gầm cầu dùng để dự phòng cho giao thông trong tương lai. Có thể nghiên cứu xây dựng đường cao tốc dưới đất, sử dụng rào chắn, chỉ xây các cầu vượt tại các điển cần vượt qua chướng ngại, giao cắt và sông, không sử dụng đa số phương án cầu cạn trên cao như hiện nay. Giải pháp này sẽ bảo đảm giảm tối đa chi phí đầu tư và bảo đảm phương án đầu tư BOT khả thi về tài chính.
Theo TS Phạm Văn Khánh (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), công tác đánh giá tác động của việc xây dựng Dự án là nhiệm vụ rất cần thiết, đặc biệt là với các dự án lớn vì nguồn vốn sử dụng lớn, sử dụng khối lượng lớn vật liệu, nhân công và máy thi công, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, công ăn việc làm và môi trường...
Về cơ bản, TS. Phạm Văn Khánh nhất trí với đánh giá tác động của việc đầu tư xây dựng dự án trong Báo cáo nghiên cứu khả thi. Để dự án hoàn thiện hơn, ông đưa ra một số góp ý. Về hiệu quả kinh tế xã hội của dự án, báo cáo trình bày còn sơ sài, không có phụ lục tính chi tiết. Về phân tích các rủi ro chính của dự án, cần làm rõ việc nhận dạng các rủi ro và trách nhiệm quản lý các rủi ro của nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hợp đồng dự án, đặc biệt là các rủi ro về chậm bàn giao mặt bằng thi công, thay đổi cơ chế, chính sách có liên quan tới dự án...
Kết thúc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến hoan nghênh các ý kiến đóng góp hết sức sâu sắc, tâm huyết và cho biết Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý để việc triển khai và thực thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đạt được kết quả tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.