Chính trị

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đạt sự đồng thuận rất cao của người dân

Mai Hữu ghi 06/09/2023 12:15

Phát biểu thảo luận tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV ngày 6-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, công tác giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đạt được sự đồng thuận rất cao của người dân.

hn8.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Sửa đổi Luật Thủ đô để phân quyền mạnh mẽ hơn

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo về việc triển khai thực hiện 4 nội dung Luật, Nghị quyết Quốc hội đã ban hành cho Hà Nội. Trong đó, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thành phố và Bộ Tư pháp đã đang thực hiện công tác xây dựng dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu vào tháng 10-2023.

Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước cùng phát triển.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được thực hiện theo 3 quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, cũng như các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.

Về thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đồng chí Hà Minh Hải cho biết, việc triển khai tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được tiến hành từ rất sớm, bài bản, chu đáo, kỹ lưỡng bảo đảm các điều kiện để vận hành hiệu quả mô hình mới. Bộ máy chính quyền của thành phố được tinh gọn hơn, tổ chức bộ máy chính quyền ở các quận và thị xã hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn... được dư luận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô rất quan tâm, đánh giá cao việc tổ chức quản trị theo mô hình chính quyền đô thị đang được thực hiện thí điểm tại Hà Nội.

Về việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua, cụ thể: các cơ chế, chính sách này đã giúp thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực có sẵn; góp phần chia sẻ khó khăn và tăng cường sự đoàn kết, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, đồng thời, góp phần giảm áp lực cho ngân sách cấp thành phố...

hn9.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Ba bài học kinh nghiệm triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, thành phố cũng đã tập trung triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đã khởi công vào ngày 25-6-2023, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2027. Thành phố Hà Nội xác định đây là một bước cụ thể hóa việc tập trung vào 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược (phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước mắt ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối).

Kết quả đến nay, về công tác chuẩn bị đầu tư: UBND 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đã phê duyệt 6/7 dự án thành phần giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đường song hành.

Về công tác giải phóng mặt bằng, thành phố Hà Nội đã thu hồi 694,20/793,80ha (đạt 87,45%), di chuyển 6.262/10.034 ngôi mộ (62,37%). “Đây là sự nỗ lực cố gắng của thành phố và đặc biệt là sự đồng thuận rất cao của người dân”, đồng chí Hà Minh Hải nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Đồng thời, tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, từ đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nêu rõ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, xác định xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; mục tiêu đến năm 2030, trở thành thành phố có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

“Để đạt được mục tiêu này, thành phố Hà Nội rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác mọi tiềm năng, nguồn lực và tạo động lực mới để xây dựng, phát triển Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đạt sự đồng thuận rất cao của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.