Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều việc phải làm

Hoàng Văn| 30/08/2016 06:39

(HNM) - Triển khai Kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Hà Nội đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận trong việc sử dụng công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, giá trị kinh tế cao...


Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhận định: Những thành tựu mà Ngành Nông nghiệp đem lại chưa mang tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Năng suất, chất lượng nông sản chưa cao, chưa hình thành được các chuỗi từ sản xuất đến người tiêu dùng, an toàn thực phẩm vẫn là một vấn đề "nóng"... Do vậy, sản phẩm nông nghiệp không có sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường mở, nông sản Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung phải chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các nước có tiềm năng nông nghiệp trong khu vực và thế giới.

Mặt khác việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở các mô hình. Ngành Nông nghiệp Hà Nội chưa tận dụng được lợi thế của Thủ đô, nơi tập trung nhiều viện nghiên cứu, trường đại học... Do vậy, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của Hà Nội chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Một vấn đề nữa, chính sách đầu tư cho nông nghiệp chưa đủ lực hấp dẫn các nhà đầu tư cũng như người dân tham gia sâu vào lĩnh vực nông nghiệp... Chưa kể Ngành Nông nghiệp đang đối mặt với những áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, làn sóng “ly nông” và nhất là tập quán sản xuất của người nông dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát...

Những bất cập, hạn chế trên cần được nhìn nhận thẳng thắn để từ đó xác định rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục. Rõ ràng để tái cơ cấu nông nghiệp một cách có hiệu quả, Ngành Nông nghiệp Thủ đô còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt trong thời gian tới, nông nghiệp Thủ đô cần chú trọng:

Xác định rõ thế mạnh từng vùng để phát huy tối đa lợi thế, từ đó có hướng dẫn cụ thể việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư phát triển sản xuất thành vùng chuyên canh hàng hóa... Tham mưu với thành phố đưa ra những chính sách hấp dẫn thu hút doanh nghiệp tham gia vào sản xuất. Đồng thời tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với hợp tác xã, doanh nghiệp với người dân; liên kết vùng, giữa các địa phương… tạo ra sản phẩm có số lượng lớn, chất lượng cao.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đổi mới phương thức đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao sản phẩm khoa học cho người nông dân. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.

Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, phát triển bền vững; mở rộng hợp tác, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hoạt động cung cấp vật tư, dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giữa Hà Nội với các địa phương trong cả nước...

Phát triển nông nghiệp đô thị, giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, Ngành Nông nghiệp Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu với một tư duy mới hướng tới phát triển bền vững, mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cao cho người nông dân. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều việc phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.