(HNM) - Ngày 15-7, tại TP Đà Nẵng, Bộ GT-VT đã tổ chức hội nghị triển khai công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm an toàn giao thông các dự án đầu tư mở rộng QL 1A và QL 14. Từ phát biểu của đại diện một số địa phương, đại diện cho chủ đầu tư, nhà thầu, của cơ quan chủ quản là Bộ GT-VT cũng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì có khá nhiều vấn đề đặt ra hiện nay cần nhanh chóng khắc phục không chỉ riêng trong lĩnh vực GT-VT.
Trước hết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc xây dựng một tuyến đường xuyên suốt chiều dài của quốc gia là đặc biệt quan trọng. Điều đó hoàn toàn chính xác khi QL 1A được coi là tuyến đường "xương sống", là huyết mạch giao thông quan trọng "số 1", có ảnh hưởng đặc biệt tới việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng cũng như của đất nước nói chung.
Dự án mở rộng QL 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.887km, được chia thành 37 dự án, trong đó có 17 dự án BOT với chiều dài 562km, tổng mức đầu tư 42.502 tỷ đồng. Riêng đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sẽ có 25.000 hộ dân bị thu hồi đất, 7.500 hộ phải tái định cư. Dự án QL 14 cũng có 620 hộ dân phải giải tỏa, bố trí tái định cư. Một dự án quan trọng như vậy, có những tác động, ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân nơi dự án triển khai như vậy, song dường như lãnh đạo một số địa phương liên quan đến dự án không nhận ra điều đó. Phó Thủ tướng chỉ rõ: Một cuộc họp lớn như thế này mà nhiều địa phương vắng mặt lãnh đạo tỉnh, cử giám đốc sở đi thay thì báo cáo gì, tiếp thu gì? Và khi tư duy nhận thức chưa chuẩn thì việc chỉ đạo, điều hành, tồn tại những bất cập, khúc mắc là điều dễ hiểu. Vậy nên, có địa phương tới 5 năm trời vẫn không hoàn thành việc giải phóng mặt bằng hơn 13km. Có địa phương phân bua thiếu gần 20 tỷ đồng cho đền bù, giải phóng mặt bằng; có địa phương áp giá đền bù năm 2011 nhưng chủ đầu tư không chi tiền kịp, dẫn đến năm 2012 giá cả tăng cao và người dân khiếu kiện. Rồi có những chủ đầu tư thay cho việc trả lời câu hỏi "Tại sao chậm? Bao giờ xong?" lại viện dẫn 5 trang giấy A4 kín đặc lý do và kiến nghị…
Vấn đề ở đây là gì? Chắc chắn nếu cơ quan quản lý dự án này sâu sát, biết rõ những khó khăn, vướng mắc; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án thì những vấn đề trên sẽ nhanh chóng có biện pháp giải quyết, các địa phương không phải chờ đợi, dồn nén tới một hội nghị riêng để có dịp giãi bày. Mặt khác, nếu lãnh đạo các địa phương nhận ra tầm quan trọng của dự án đang triển khai thì sẽ có những hành động quyết liệt để giải quyết những bất cập tồn tại. Điển hình là Hà Tĩnh đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng 127km của dự án đoạn qua địa bàn. Và chắc chắn các chủ đầu tư, nhà thầu ở đoạn tuyến qua tỉnh này không phải chờ dịp để trình kiến nghị gửi cơ quan chức năng và những người có thẩm quyền…
Cùng với đó trật tự xã hội đỡ phức tạp khi người dân không phải bức xúc, khiếu kiện về giá đất bồi thường chưa sát với giá thị trường, sự chênh lệch giá đất đền bù giữa các địa phương liền kề, việc chi trả tiền cho dân chậm so với thời điểm áp giá đền bù… Đặc biệt, nếu dự án thực hiện đúng tiến độ đặt ra thì kinh phí sẽ không phát sinh thêm; chủ đầu tư, nhà thầu không bị đọng vốn do chậm bàn giao mặt bằng; chính quyền cơ sở đỡ tốn nhân lực để "canh" việc tái lấn chiếm vì có mặt bằng nhưng chủ đầu tư chậm thi công; nhiều DN tiết kiệm được chi phí vận tải, xã hội cũng giảm bớt thiệt hại về người và tài sản từ các vụ tai nạn giao thông do hạ tầng không bảo đảm…
Những hệ lụy nêu trên ai cũng nhìn thấy, nhưng cơ quan nào, cá nhân ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng dự án chậm tiến độ lại không rõ ràng. Thế nên qua hội nghị này, với từng việc đều phải nghiêm túc rút kinh nghiệm nhưng những thiệt hại đã xảy ra thì ngân sách nhà nước "gánh" cả, điều đó đồng nghĩa là "chia đều" phần thiệt hại cho mọi người dân và DN (thông qua việc nộp thuế, đóng góp cho ngân sách).
Bất cập chính là ở chỗ đó. Và chắc chắn việc xảy ra không chỉ riêng trong lĩnh vực GT-VT khi chúng ta đã và đang triển khai hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng làm nền móng để đẩy mạnh công cuộc CNH-HĐH đất nước. Không lẽ làm nghèo đất nước do tiền bạc từ ngân sách thất thoát mà tất cả đều "bình chân như vại"?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.