(HNMO) - Sáng 16-3, tại Hà Nội, Diễn đàn Báo chí tuyên truyền xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động đã được tổ chức.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà báo tên tuổi và đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, góp nhiều tham luận và ý kiến giá trị. Chia sẻ thông tin về quá trình xây dựng, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP như một minh chứng cho hoạt động xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh yếu tố chủ động, sáng tạo trong việc tạo dựng môi trường xây dựng chính sách pháp luật minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cộng đồng tham gia phát triển.
Ông khẳng định việc nghiên cứu, tham mưu ban hành Nghị định này đã góp phần thay đổi tư duy nhận thức của người làm công tác an toàn thực phẩm, thay đổi cơ bản phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tiệm cận với cách thức quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và một số quốc gia Châu Âu về lĩnh vực an toàn thực phẩm, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý (nếu có). Việc bãi bỏ, giảm thiểu các loại giấy phép hành chính đã góp phần tạo điều kiện thông thoáng giúp doanh nghiệp phát triển, khuyến khích cộng đồng tư nhân tham gia và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.
Với tham luận "Một thông điệp có sức lay động lớn", Tổng Giám đốc Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ Vi Quang Đạo khẳng định, báo chí chính là nhịp cầu kết nối, một mặt biểu dương chính sách tốt; mặt khác, thẳng thắn chỉ ra những quy định không phù hợp, cung cấp dữ liệu cho các nhà quản lý. Nhiều vụ việc cụ thể báo chí nêu đã được Chính phủ nghiên cứu và chỉ đạo kịp thời, thể hiện sự trân trọng đối với tiếng nói phản biện từ báo chí, khuyến khích báo chí tham gia vào quá trình giám sát.
Nhà báo Vi Quang Đạo cũng nêu ra các vấn đề cần bàn thảo, ví như các nhà báo cần đầu tư sâu hơn về nội dung thông tin, nắm vững chính sách, thể hiện bản lĩnh, không ngại va chạm. Bên cạnh đó, cần lưu ý chống lợi ích nhóm trong truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách, tránh để bị lợi dụng "lobby" cho lợi ích riêng của một nhóm người, đi ngược lại lợi ích chung của đại đa số người dân. Cơ quan chức năng cũng cần tạo thêm điều kiện cho báo chí phát triển trong sự nghiệp đổi mới, lắng nghe ý kiến phản biện từ báo chí.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng nêu nhiều ý kiến giá trị về việc tạo thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển như một nhiệm vụ thực sự cần thiết của Chính phủ kiến tạo. Ông nhấn mạnh: "Để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, chúng ta phải nhìn kết quả để đánh giá công việc chứ không nhìn quy trình. Nếu kết quả kém nhưng vẫn cho rằng "làm đúng quy trình" - sẽ là hành vi vô trách nhiệm, thoái thác trách nhiệm".
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cũng đánh giá cao yêu cầu phải có tư duy chiến lược, công cụ định hướng tầm nhìn phát triển của quốc gia. Chẳng hạn, đẩy mạnh công nghiệp hóa - bản chất là xây dựng năng lực công nghệ của quốc gia dựa vào các doanh nghiệp địa phương, trong đó không thể thiếu vai trò lực kéo - "bà đỡ" của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mang dấu ấn "Made in Việt Nam" với giá trị gia tăng cao.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: "Báo chí là lực lượng không thể thiếu trong quá trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, nhưng lưu ý khi đưa những tin có tác động xấu cần "khoanh" rõ địa điểm cụ thể, không đưa chung chung gây hoang mang trong nhân dân. Các nhà báo luôn phải cân nhắc tác động của thông tin khi tác nghiệp, hay nói cách khác là chú ý kỹ năng và đề cao đạo đức người làm báo khi đưa tin".
Rất nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi giá trị được nêu lên tại diễn đàn, đề cập đến vai trò của báo chí với việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Nhiều nhà báo cho rằng, để thực hiện tốt vai trò của báo chí, trước tiên, các nhà báo cũng phải liêm chính, có tri thức, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ trong việc tăng cường phản biện, đóng góp ý kiến xác đáng trong quá trình thực hiện chính sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.