Chiều 30-8, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) tổ chức tọa đàm “Vùng trời của chúng ta”.
Các nhân chứng xúc động ôn lại những giờ phút căng thẳng, đấu tranh bền bỉ và khôn khéo trên bàn đàm phán nhằm giành lại quyền điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh); khẳng định tiếng nói quan trọng trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.
19 năm bền bỉ đấu tranh giành lại chủ quyền
Sau 19 năm đấu tranh bền bỉ, căng thẳng và khôn khéo, đúng 0h (giờ quốc tế) ngày 8-12-1994, Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh thuộc VATM đã chính thức thực hiện trách nhiệm điều hành hoạt động bay trong toàn bộ FIR Hồ Chí Minh.
Là 1 trong 18 thành viên của đoàn Việt Nam tham dự đàm phán nhằm giành lại FIR Hồ Chí Minh trong những giờ phút lịch sử cam go ấy, ông Phạm Việt Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên VATM (khi đó là chuyên viên Ban Quan hệ quốc tế thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam) cho biết, FIR là vùng trời có kích thước xác định mà Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) giao cho các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm trước cộng đồng hàng không dân dụng quốc tế để cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Ranh giới FIR được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, các tổ chức hàng không quốc tế tại các hội nghị không vận khu vực (RAN) và do Hội đồng ICAO phê chuẩn.
FIR Hồ Chí Minh, trước năm 1975 gọi là FIR Sài Gòn, được thiết lập tại Hội nghị không vận Trung Đông - Đông Nam, tổ chức tại Rome (Italia) năm 1959, bao gồm cả vùng trời chủ quyền thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời quốc tế trên Biển Đông.
Đến năm 1973, tại Hội nghị không vận khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (RAN-1) họp tại Honolulu (Hoa Kỳ), FIR Sài Gòn được điều chỉnh mở rộng xuống phía Nam và duy trì cho đến ngày 28-4-1975 với diện tích khoảng 918.000km2.
Tháng 4-1975, lo ngại trước sự bế tắc giao thương hàng không trong khu vực khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, ICAO đã vạch ra một kế hoạch không vận lâm thời, gồm thiết lập các đường bay không lưu trên Biển Đông và phân chia FIR Sài Gòn thành 3 vùng trách nhiệm tạm thời giao cho 3 trung tâm kiểm soát đường dài Bangkok (Thái Lan), Singapore và Hong Kong (lúc đó thuộc sự quản lý của Vương quốc Anh) điều hành; phần còn lại của FIR Sài Gòn do Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh đảm nhiệm.
Trước áp lực tranh giành FIR Sài Gòn, tại Hội nghị RAN-2 năm 1983, một số nước trong khu vực đòi xóa bỏ kế hoạch lâm thời của ICAO về phân chia các vùng trách nhiệm tạm thời trên Biển Đông thuộc FIR Sài Gòn cũ, đồng thời hợp thức hóa việc giao chính thức các vùng trách nhiệm tạm thời trên cho các nước đó quản lý. Thậm chí, có quốc gia đề xuất sáp nhập một phần FIR Hà Nội và phần lớn FIR Hồ Chí Minh vào vùng thông báo bay của họ, điều này dẫn đến phạm vi của FIR Hồ Chí Minh sẽ bị mất phần lớn vùng trời quốc tế trên Biển Đông.
Tuy nhiên, đoàn công tác của nước ta đã đấu tranh rất quyết liệt và giữ được nguyên trạng FIR Hồ Chí Minh. Trải qua 10 năm đầu tư các trang thiết bị, nhân lực và sự ủng hộ của các nước trên thế giới, tới Hội nghị RAN-3 năm 1993, hơn một tháng, hàng trăm cuộc đàm phán căng thẳng với các nước trong khu vực, Việt Nam đã giành được FIR Hồ Chí Minh vào ngày 8-12-1994.
Theo Đại tá Lê Ngọc Sơn, nguyên cán bộ Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ Quốc phòng), FIR Hồ Chí Minh là vùng trời bay nhộn nhịp thứ 3 trên thế giới, mang lại lợi ích rất lớn. Do đó, Thái Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) luôn mong muốn chia cắt, thu hẹp FIR Hồ Chí Minh.
Để giành lại quyền kiểm soát FIR Hồ Chí Minh thì phải bảo đảm an toàn hàng không, trong đó, ngành Hàng không phải bảo đảm các yêu cầu về đầu tư thiết bị, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… Trong bối cảnh nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh, bị bao vây, cấm vận, các hạ tầng trang thiết bị này đã được Bộ Quốc phòng giao, bổ sung cho ngành Hàng không. Nhờ đó, Việt Nam có đủ khả năng để quản lý vùng trời, tiếp nhận bảo đảm an toàn tất cả máy bay qua FIR Hồ Chí Minh.
Tại buổi tọa đàm, các nhân chứng cũng xúc động ôn lại những ngày đàm phán lịch sử ấy. Thay vì ngủ trong khách sạn được ban tổ chức bố trí, đoàn phải tá túc trong căn phòng chỉ rộng chừng 20m2 ở Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan để bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin. Trong quá trình đàm phán, các thành viên cũng phải điều chỉnh từng câu chữ để bảo đảm không bị cài những điều khoản có thể dẫn tới thua thiệt về lợi ích...
Điều hành gần 12 triệu chuyến bay tuyệt đối an toàn
Chủ tịch Hội đồng thành viên VATM Lê Hoàng Minh nhấn mạnh, việc giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất to lớn về chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, tạo tiếng nói quan trọng trong các vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế về hoạt động hàng không dân dụng nói chung, công tác cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nói riêng; tạo sự chủ động cho các hoạt động bay quân sự của ta và gián tiếp hỗ trợ công tác bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Đó là một dấu mốc quan trọng, không chỉ đối với ngành quản lý bay, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, mà còn với sự phát triển chung của đất nước.
Trong 30 năm tiếp nhận điều hành FIR Hồ Chí Minh, VATM đã bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn cho gần 12 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm, không để xảy ra mất an toàn bay. Tổng thu điều hành bay ước đạt hơn 75.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 36.000 tỷ đồng. Kết quả này đã thể hiện rõ tính hiệu quả về lợi ích kinh tế, thu về cho ngân sách Nhà nước từ việc tiếp nhận lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.
Quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh được Việt Nam tiếp nhận và quản lý một cách an toàn, hiệu quả đã góp phần quan trọng vào việc duy trì trật tự, an ninh hàng không và thúc đẩy giao thương quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.