Sáng 9-8, Ban Chỉ đạo 89 huyện Đông Anh phối hợp Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm về trình tự, thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, triển khai một số nội dung Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 6-12-2023 của HĐND thành phố Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Công an các xã, thị trấn, cán sự phòng, chống tệ nạn xã hội đã có nhiều ý kiến phản ánh về khó khăn, vướng mắc liên quan đến các công việc: Triệu tập, xét nghiệm, thiết lập hồ sơ, xác minh đối tượng tỉnh ngoài; một số gia đình che giấu, không hợp tác với cơ quan Công an để lấy mẫu xét nghiệm cho con em, gây cản trở khi Công an xã đến làm việc; kinh phí mua que thử ma túy chưa có quy định rõ ràng về cơ quan chi kinh phí dẫn đến việc đề xuất của Công an cấp xã gặp khó khăn...
Ngoài ra, còn có khó khăn liên quan việc cán bộ văn hóa các xã, thị trấn nhận chế độ theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội quy định mức hỗ trợ đối với người được giao nhiệm vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố nhưng chưa thực hiện một số nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao...
Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Lập cùng đại diện các đơn vị liên quan đã trao đổi, giải đáp những vấn đề các đơn vị đặt ra, qua đó, góp phần tháo gỡ, giúp các đơn vị thực hiện tốt công tác cai nghiện, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 13 của HĐND thành phố.
Thượng tá Chu Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Đông Anh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 89 huyện Đông Anh đánh giá cao kết quả, ý nghĩa của buổi tọa đàm; đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm Nghị quyết số 13-NQ/HĐND của HĐND thành phố. Đồng chí cũng đề nghị Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội quan tâm, hỗ trợ, tiếp tục giải đáp các khó khăn, vướng mắc khi Công an huyện có các văn bản trao đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.