(HNM) - Ngày 1-1-2014, nước Nga đã chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển (G-8) năm 2014.
Có thể nói, bối cảnh tiếp nhận chiếc ghế Chủ tịch G-8 của Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhiều điểm thuận lợi nếu so với nhiệm kỳ trước của Thủ tướng Anh David Cameron. Thứ nhất, trên lĩnh vực kinh tế, năm 2014, nhiều tổ chức cũng như các chuyên gia kinh tế tại các định chế tài chính hàng đầu thế giới đã nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi từ nửa cuối năm 2013. Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới đang phát đi nhiều tín hiệu tích cực, với tốc độ tăng GDP đạt 3,6% trong quý III/2013 và có thêm gần 600.000 việc làm mới trong ba tháng gần đây. Niềm tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp được cải thiện đáng kể.
Thành phố Sochi - nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G-8 vào tháng 6 tới. |
Mặc dù, tăng trưởng kinh tế trong quý IV-2013 chịu ảnh hưởng tiêu cực do chính phủ đóng cửa một phần hồi tháng 10, nhưng Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ vẫn tăng 1,7% trong cả năm 2013 và dự báo lên mức 2,6% năm 2014. Trong khi đó, tại "cái nôi" của khủng hoảng nợ, Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã khởi sắc sau 6 tháng sụt giảm liên tiếp. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, mức tăng trưởng của Eurozone sẽ đạt 0,9% trong năm 2014, trong đó nền kinh tế "đầu tàu" khu vực là Đức tăng trưởng 1,4%, theo sau là nền kinh tế Pháp (tăng 0,7%). Thứ hai, về các điểm nóng của thế giới, nếu như cuộc khủng hoảng Syria và vấn đề hạt nhân tại Iran phủ bóng hầu hết các chương trình nghị sự tại nhiều diễn đàn trong năm 2013, thậm chí làm chệch hướng mục tiêu Hội nghị Thượng đỉnh G-8 mà Anh đề ra tại Bắc Ireland, thì điều này khó có thể lặp lại tại Hội nghị Thượng đỉnh do Nga chủ trì - dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới. Việc hóa giải những căng thẳng xung quanh tình hình Syria và Iran có đóng góp không nhỏ của Nga thời gian qua sẽ giúp Mátxcơva có thể toàn tâm với kế hoạch triển khai các nội dung ưu tiên trong năm đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên nhóm G-8, gồm chống khủng bố, buôn bán ma túy và giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực.
Như vậy không có nghĩa nhiệm kỳ Chủ tịch G-8 của Tổng thống V.Putin sẽ hoàn toàn thuận lợi. Mặc dù những dấu hiệu tích cực cuối năm 2013 khiến dư luận lạc quan hơn về bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2014, nhưng trên thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Vì chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Châu Âu nhằm đối phó khủng hoảng nợ công có thể khiến lục địa này rơi vào tình trạng nghèo đói kéo dài, trong khi thất nghiệp vẫn ở mức báo động (hơn 12%). Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm dần chương trình cứu trợ kinh tế có thể sẽ dẫn đến việc tăng mạnh lãi suất dài; đồng thời có thể đẩy các thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng các nhà đầu tư bán tháo tài sản thế chấp, ảnh hưởng đến nguồn đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi. Trong khi đó, một số chuyên gia khác tỏ ra bi quan khi cho rằng tăng trưởng chậm lại ở Nhật Bản và Trung Quốc sẽ kìm hãm phần nào đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 ngay cả khi kinh tế Mỹ cũng như Eurozone phục hồi.
Ngay trước khi được chuyển giao vị trí "thuyền trưởng" của G-8, nước Nga đã rúng động vì 2 cuộc đánh bom đẫm máu tại thành phố Volgograd. Chỉ huy nhóm phiến quân Chechnya Doku Umarov còn kêu gọi phá hủy Thế vận hội mùa Đông tại Sochi do Nga đăng cai. Trong khi đó, thành phố nghỉ mát bên bờ Biển Đen cũng là nơi Mátxcơva lựa chọn để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G-8. Rõ ràng, những nguy cơ tiềm tàng từ vùng đất Chechnya, vốn làm đau đầu các nhà lãnh đạo Nga nhiều năm sẽ là một thách thức với công tác bảo đảm an ninh tại Hội nghị Thượng đỉnh G-8 và mục tiêu chống khủng bố mà Tổng thống V.Putin đề ra. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Mátxcơva với các nước phương Tây sau khi Ukraine hủy bỏ ký kết hiệp ước liên kết với Liên minh Châu Âu (EU) và mối quan hệ không ít hoài nghi với Mỹ cũng sẽ là những thách thức trong nhiệm kỳ Chủ tịch G-8 của Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.