(HNM) - Chiếm 67% dân số cả nước, đóng góp 20% GDP trong nền kinh tế quốc dân nhưng nông thôn Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường (MT). Lần đầu tiên, vấn đề này được Bộ TN&MT phân tích, đánh giá một cách tổng thể tại Báo cáo MT quốc gia.
Đâu cũng ô nhiễm
Sự phát triển sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã và đang kéo theo hệ lụy ô nhiễm MT. Theo Bộ TN&MT, việc nông dân thiếu hiểu biết, sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và hoạt động chăn nuôi làm phát sinh, gia tăng khí CH4, H2S, NH đã gây áp lực lớn về vấn đề MT. Ở một số vùng thâm canh tăng vụ, lượng phân bón hóa học sử dụng khá cao, cùng với đó là sử dụng thuốc bảo vệ không đúng kỹ thuật dẫn đến thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước và có thể gây đột biến gen một số loại cây trồng. Theo kết quả phân tích của Bộ TN&MT, trên 50% lượng phân đạm, 50% kali và xấp xỉ 80% lượng lân bị dư thừa do áp dụng bón phân không đúng kỹ thuật nên gây ô nhiễm đất. Trong chăn nuôi, hàng triệu tấn chất thải rắn mỗi năm từ đàn gia súc, gia cầm chưa qua xử lý, xả thẳng ra MT. Ngay tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, 80% lượng phân chăn nuôi thải ra không qua xử lý, nếu có chỉ ủ được dùng để nuôi cá, bón ruộng. Ô nhiễm môi trường gây dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản cũng khiến không ít hộ dân điêu đứng.
Cùng với đó, ô nhiễm nước mặt và làng nghề cũng đang là vấn đề "nóng" ở một số vùng nông thôn hiện nay. Tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, chất lượng nước mặt bị suy giảm đáng kể do tiếp nhận nước thải tổng hợp từ các khu vực đô thị, nước thải sinh hoạt, làng nghề. Nhiều nơi, nguồn nước bị nhiễm bẩn với một số thông số vượt quy chuẩn cho phép. Kết quả phân tích tại 52 làng nghề, 100% số mẫu phân tích nước ở cả 6 loại hình làng nghề đặc trưng như: chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế và kim loại đều cho thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép, trong đó 24 làng nghề ô nhiễm nặng, 14 làng nghề ô nhiễm vừa và 14 làng nghề ô nhiễm nhẹ…
Thực hiện tiêu chí số 17 của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom chất thải rắn tập trung. Song, việc thu gom, xử lý cũng mới bước đầu được áp dụng đối với chất thải rắn sinh hoạt. Đối với chất thải nguy hại và khó phân hủy (chủ yếu có nguồn gốc từ hoạt động ngành nông nghiệp và làng nghề), việc thu gom và xử lý còn rất hạn chế, ước tính khoảng 80% khối lượng chất thải rắn khó phân hủy và hầu hết lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom xử lý, gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng MT…
Nhiều khó khăn, thách thức
Ô nhiễm MT ở nông thôn không những gây thiệt hại về kinh tế, mà còn tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục MT (Bộ TN&MT) Hoàng Dương Tùng: "Con người đang phải "trả giá" về mặt sức khỏe bởi cách mà chúng ta đối xử với MT". Trong vòng 30 năm qua, khoảng 40 bệnh mới phát sinh và đều có nguồn gốc từ ô nhiễm MT. Những bệnh "nan y" vốn thường phổ biến ở khu vực đô thị trước đây, nay có nguy cơ trở thành "vấn nạn" ở nông thôn…
Thực tế, trong những năm qua, các cấp, các ngành đã quan tâm đến công tác quản lý và bảo vệ MT nông thôn. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, việc quản lý và bảo vệ MT nông thôn vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức chưa được giải quyết. Một số quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ MT khu vực nông thôn thiếu tính khả thi; còn tồn tại tình trạng chồng chéo trong phân công trách nhiệm, có những mảng thậm chí còn bỏ ngỏ. Việc đầu tư tài chính cho quản lý bảo vệ MT còn thấp và chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Các hoạt động quản lý và kiểm soát chất thải chưa thực sự hiệu quả. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về bảo vệ MT còn hạn chế. Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới đã đạt được một số thành công, tuy nhiên, nhóm các tiêu chí về MT khó thực hiện và là một trong 3 nhóm có tỷ lệ đạt thấp nhất, dưới 30%.
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho rằng, môi trường khu vực nông thôn đang có chiều hướng xấu đi và là mối quan tâm của toàn xã hội. Vấn đề đặt ra là, công tác bảo vệ MT nông thôn phải được đặt trong tổng thể với các giải pháp toàn diện và cần tăng đầu tư ngân sách. Quan trọng nhất là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ MT…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.