(HNM) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội thì bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp xử phạt bổ sung, đồng thời buộc phải khắc phục hậu quả. Đó là, người sử dụng lao động buộc phải đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội; phải nộp lại cho cơ quan Bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đã nhận.
Đáng chú ý, người sử dụng lao động phải trả chế độ trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; hoàn trả cho người lao động số tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã chiếm dụng của người lao động và khoản tiền lãi của số tiền này…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.