Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều đơn vị sự nghiệp ngại tự chủ, thích “ăn bám” ngân sách

Theo Xuân Dũng/Vietnam+| 26/10/2016 20:27

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, một số đơn vị sự nghiệp công lập thực tế vẫn chưa sẵn sàng để tiến tới tự chủ và thậm chí, còn có tâm lý trông chờ vào ngân sách Nhà nước.


Nêu lên điều này trong buổi họp báo chiều 26/10, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính Phạm Văn Trường cho hay, nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập đã ra đời hơn 1 năm (tháng 4/2015) nhưng việc triển khai vẫn chậm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Thừa nhận việc chuyển đổi sang cơ chế mới thường là khó nên ông Trường cho biết, cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền để thay đổi nhận thức tại các đơn vị, bộ, ngành, địa phương. Tuy vậy, ông cũng phải thắng thắn nêu lên việc, một số đơn vị chưa sẵn sàng và có tâm lý trông chờ vào ngân sách Nhà nước.

Thậm chí, theo ông, kế hoạch đặt ra trước đó là tới quý 4 năm 2015, 7 nghị định về cơ chế tự chủ từng chuyên ngành sẽ phải ban hành. Tuy nhiên, tới hiện tại, khi đã quá hạn gần 1 năm, đại diện Bộ Tài chính cho biết, mới chỉ có… 2 nghị định được ra đời .

Số phận của 5 nghị định còn lại theo ông vẫn có 4 nghị định đang trình Chính phủ và 1 nghị định thậm chí chưa trình lên Chính phủ.

Thừa nhận bản thân ông cũng “sốt ruột” với tiến độ này, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp cho hay, lãnh đạo bộ đã có trực tiếp ký văn bản đề nghị các bộ đẩy mạnh kế hoạch xây dựng nghị định.

Cũng theo ông Trường, các đơn vị khi đã tự chủ sẽ không có chuyện “thụt lùi” để quay về đòi ngân sách hỗ trợ. Điều này được ông nhận định cũng có thể gây băn khoăn cho một số đơn vị. Tuy nhiên, vị đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm, các đơn vị đã xin tự chủ thì phải tự có chiến lược duy trì hoạt động.

Chưa ước lượng số tiền có thể tiết kiệm nếu các đơn vị thực hiện tự chủ nhưng ông Trường cho biết, phần ngân sách trước đó hỗ trợ các đơn vị chắc chắn sẽ được cơ cấu lại.

Thay vì chi trực tiếp cho các đơn vị, ngân sách theo ông sẽ chuyển phần hỗ trợ này cho đối tượng thụ hưởng dịch vụ công. Đặc biệt, số tiền cơ cấu lại này sẽ dùng để hỗ trợ người nghèo, người có công, các đối tượng vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh khó khăn,…

“Tổng chi của ngân sách với các lĩnh vực sẽ không giảm,” đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều đơn vị sự nghiệp ngại tự chủ, thích “ăn bám” ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.