Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều cơ hội cho người học nghề

Minh Vũ| 09/07/2020 20:19

(HNMO) - Năm 2020, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước tổ chức tuyển sinh theo nhu cầu của thị trường, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, giúp người học có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành, nghề, việc làm phù hợp.

Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho đối tượng học sinh THPT tại huyện Gia Lâm.

Tuyển dụng từ khâu tuyển sinh vẫn khó đạt chỉ tiêu

Thời gian này, mạng lưới hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước đang tập trung tư vấn, tuyển sinh học nghề cho năm học mới. Khác với những năm trước, năm nay, nhiều trường nghề mở rộng đối tượng tuyển sinh, nhưng có sự chọn lọc, phân cấp ngay từ đầu vào, bảo đảm cho người học có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Yên Thắng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giải quyết việc làm, Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội (phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) cho biết, công tác tuyển sinh tại cơ sở này diễn ra song song với quá trình tuyển dụng, tập trung vào những ngành, nghề thị trường lao động đang cần như cơ khí, cơ điện tử, công nghệ ô tô, ngoại ngữ kinh tế… 

Đây là năm thứ ba liên tiếp, nhà trường ký cam kết bảo đảm 100% người học có việc làm sau khi tốt nghiệp. Mức thu nhập tối thiểu theo cam kết tăng từ 5 triệu đồng/người/tháng vào năm 2018 lên 7 triệu đồng/người/tháng vào năm 2020.

Mặc dù người học nghề rộng mở cơ hội việc làm, nhưng vì nhiều lý do, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội khó tuyển đủ thí sinh theo chỉ tiêu. “Kế hoạch tuyển sinh năm 2020 của nhà trường là 2.600 chỉ tiêu, gồm 1.600 chỉ tiêu hệ cao đẳng, trung cấp và 1.000 chỉ tiêu hệ sơ cấp. Nhưng đến thời điểm này, nhà trường mới nhận được hơn 600 hồ sơ đăng ký dự tuyển”, ông Nguyễn Yên Thắng cho biết thêm.

Nhằm đạt kế hoạch tuyển sinh với 1.500 chỉ tiêu, trong đó có 1.200 chỉ tiêu hệ cao đẳng, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (phường Mai Dịch, Cầu Giấy) vừa xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, vừa căn cứ vào kết quả học tập của thí sinh.

Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh qua nhiều hình thức, giúp học sinh, phụ huynh hiểu rõ hơn về các ngành, nghề để có sự lựa chọn phù hợp. Việc cam kết bảo đảm chắc chắn có việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng được nhà trường áp dụng. Tuy vậy, đến đầu tháng 7, số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển vào Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cũng không nhiều.

Với nguồn đầu vào là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (9+), nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo cho đối tượng này theo chương trình liên thông. Theo phản ánh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình tuyển sinh đối tượng này.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một bộ phận người lao động mong muốn học trung học phổ thông, rồi học lên đại học, một số nhà trường chưa chủ động, sáng tạo, nhu cầu tuyển dụng lao động giảm…, nên công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trong những tháng đầu năm 2020 chưa đạt kết quả như mong muốn.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, thành phố tuyển sinh, đào tạo nghề cho gần 40.000 lượt người, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2019, mới đạt gần 20% kế hoạch cả năm. Trên phạm vi cả nước, kết quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 21% kế hoạch.

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cam kết bảo đảm 100% người học có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nhiều giải pháp thu hút người học nghề

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá, để thích ứng với tình hình mới, các đơn vị, doanh nghiệp dần chuyển hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần tuyển dụng nhiều nhân lực có kỹ năng nghề. Đây là cơ hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Nhằm thu hút người lao động tham gia học nghề, các nhà trường đang nỗ lực tiếp cận với thí sinh bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến, tổ chức, tham gia những ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp.

Lê Anh Quân, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Thì Nhậm (huyện Thanh Trì), cho hay: “Sau khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh qua Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 21-6, em đã quyết định chọn học nghề công nghệ ô tô, hệ cao đẳng của Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội".

Về phía phụ huynh, anh Nguyễn Văn Hoàng, thôn Phương Viên, xã Song Phương (huyện Hoài Đức), chia sẻ: “Thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi giúp chúng tôi hiểu hơn về thị trường lao động, làm căn cứ định hướng nghề nghiệp cho các con, cháu trong gia đình”.

Ngoài sự nỗ lực của các nhà trường, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tiến hành thu thập, phân tích thông tin về thị trường lao động, từ đó điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề cho sát với nhu cầu, bảo đảm chất lượng. Với hướng đi này, Hà Nội kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề cho tối thiểu 160.000 lượt người trong năm 2020.

Còn ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông tin, các cơ quan chức năng, các địa phương đang khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề, bắt đầu từ khâu tư vấn, tuyển sinh. Tổng cục đã định hướng cho các nhà trường chủ động chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, giúp người học thấy hứng thú... 

Với nhiều giải pháp triển khai, năm 2020, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phấn đấu tuyển hơn 2,2 triệu chỉ tiêu, trong đó có hơn 580.000 chỉ tiêu trình độ cao đẳng, trung cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều cơ hội cho người học nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.