Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệm vụ thường xuyên, liên tục

Bắc Vũ| 09/05/2023 06:05

(HNM) - Kỷ lục nhiệt độ cao nhất ở nước ta vừa được ghi nhận trong lều khí tượng ở trạm đo tại tỉnh Thanh Hóa là 44,1 độ C vào chiều 6-5. Cũng theo ghi nhận trong ngày 6-5, toàn miền Bắc diễn ra nắng nóng gay gắt diện rộng, nhiều nơi ghi nhận trên 40 độ C. Điều đáng nói là ngay sau đợt nắng nóng kỷ lục, miền Bắc lại đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh xuống quanh mức 22-26 độ C.

Mùa hè năm nay dự báo sẽ nắng nóng gay gắt, khốc liệt hơn trung bình nhiều năm. Ngay từ tháng 3, khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã ghi nhận những đợt nắng nóng kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước. Sang tháng 4, nhiều kỷ lục nhiệt độ cũng được thiết lập ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Dự báo đỉnh điểm của mùa hè năm nay sẽ tập trung trong các tháng 6, 7, 8 với nhiều kỷ lục nắng nóng có thể xuất hiện. Trên bình diện thế giới, các nhà khoa học khí hậu dự báo, sự trở lại của El Nino vào năm 2023; đồng thời cảnh báo về các đợt sóng nhiệt tàn khốc hơn sẽ diễn ra vào mùa hè năm nay.

Không chỉ nắng nóng, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác cũng xảy ra ngày càng nhiều và thất thường hơn. Tình trạng mưa đá, hạn hán, bão lũ, rét đậm, rét hại, băng tuyết, nước biển dâng, xâm nhập mặn… xảy ra không theo quy luật và khó dự đoán hơn.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, mức độ biến đổi khí hậu đã, đang gây ra những hệ lụy tiêu cực, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân. Nói cụ thể hơn, biến đổi khí hậu đã trở thành tác nhân hàng đầu gây ra sự thiếu hụt về lương thực, làm mất cân bằng hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên, trong đó có nguồn tài nguyên nước ngầm…

Thực tế, câu chuyện biến đổi khí hậu luôn là chủ đề nóng và được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực thực hiện những cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26); trong đó có vấn đề giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô zon…; hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…

Việt Nam cũng đã và đang hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế số, tham gia nền kinh tế tuần hoàn đạt được sản xuất xanh và tiêu dùng sạch; tích cực dịch chuyển năng lượng, gia tăng cấu phần tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cấu phần năng lượng chung… Trên cơ sở này, các cấp chính quyền cần đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách phát triển theo hướng kinh tế dựa vào hệ sinh thái, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần đầu tư thích đáng, xây dựng được những kịch bản biến đổi khí hậu có đầy đủ thông tin tin cậy để có thể đưa ra giải pháp ứng phó trên cơ sở tăng cường năng lực, khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai. Đặc biệt, cần tiếp tục thúc đẩy sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên nước một cách thông minh, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định; tích cực khôi phục những dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm; làm tăng trở lại nguồn nước ngầm… Mặt khác, phải ưu tiên cao nhất cho nhiệm vụ phục hồi tự nhiên trong mọi quyết sách phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và phải luôn trong tâm thế chủ động để hạn chế thấp nhất những hậu quả mà nó có thể gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ thường xuyên, liên tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.