(HNM) - Tháng 12-2016, TP Hà Nội đưa ra một quyết định mạnh mẽ là thành lập 5 ban quản lý dự án chuyên ngành trên cơ sở sắp xếp lại 26 ban quản lý dự án đang có. Như một mũi tên nhắm đến nhiều đích.
(HNM) - Tháng 12-2016, TP Hà Nội đưa ra một quyết định mạnh mẽ là thành lập 5 ban quản lý dự án chuyên ngành trên cơ sở sắp xếp lại 26 ban quản lý dự án đang có. Như một mũi tên nhắm đến nhiều đích.
Quyết định này sẽ làm tinh gọn đầu mối, những công việc trước kia được nhiều đơn vị thực hiện theo cách thức quản lý khác nhau, có lúc còn chồng chéo thì nay được thống nhất về cùng đầu mối gọn hơn, đồng bộ hơn. Nó không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, chống lãng phí mà cao hơn là nhằm nâng hiệu quả hoạt động của các ban quản lý, hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố...
Sau gần một năm hoạt động, đến nay các ban quản lý dự án được giao nhiệm vụ chủ đầu tư 668 dự án, trong đó có 503 dự án sử dụng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều nỗ lực tích cực và hiệu quả rõ nét - đáng chú ý là trong những tồn tại, vướng mắc "thuở ban đầu" của 5 ban quản lý là tình hình giải ngân các dự án rất chậm, mới chỉ đạt hơn 40%. Có tới 17 dự án chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2017.
Vậy là, có tiền mà không tiêu được. Việc chậm giải ngân vốn không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu, nhiệm vụ của từng dự án mà còn tác động tiêu cực tới quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là khi có những dự án phải vay với lãi suất cao mà không chi được tiền.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng đã được xác định khá rõ. Có dự án chưa hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; có dự án đã triển khai từ năm trước, nhưng nay phải thực hiện các thủ tục liên quan để điều chỉnh dự án. Đáng chú ý là nguyên nhân phát sinh trực tiếp từ việc chậm trễ giải phóng mặt bằng dẫn đến thời gian triển khai dự án muộn.
Vấn đề ở chỗ, từ những tồn tại nêu trên đặt ra việc tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt là xác định cụ thể, chi tiết từng trường hợp còn vướng trong giải phóng mặt bằng và có phương án xử lý, nhất là các dự án trọng điểm về giao thông, cấp thoát nước, sử dụng vốn ODA; yêu cầu các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời với chủ đầu tư trong từng khâu công việc...
Trong tháo gỡ khó khăn, phải "rõ trách nhiệm" của người quản lý. Trước hết là người đứng đầu các ban quản lý, cùng lãnh đạo các địa phương, sở, ngành liên quan thể hiện trách nhiệm quyết liệt, tập trung giải quyết vướng mắc về thủ tục, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính và có giải pháp mạnh nhất để tập trung giải ngân; dồn sức quyết toán các công trình hoàn thành, dứt điểm nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó là đánh giá năng lực nhà thầu có đáp ứng được hay không, ngay cả cán bộ quản lý yếu kém cũng nên xem xét thay thế...
Tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà thành phố đặt ra nhằm rà soát hàng trăm dự án các ban quản lý dự án đang tiếp nhận. Những dự án nào đã hoàn thành phải tập trung quyết toán, kiểm toán, dự án nào không nằm trong chương trình đầu tư công thì yêu cầu dừng lại. Đồng thời, đôn đốc các dự án có chủ trương đầu tư thúc đẩy tiến độ. Khi tinh thần trách nhiệm cao, thái độ xử lý công việc quyết liệt, cụ thể mới có thể kỳ vọng về sự thay đổi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.