Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệm vụ cấp thiết

Thế Văn| 08/03/2021 06:13

(HNM) - Trong giai đoạn 2017-2020, Hà Nội đã chủ động tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đạt được một số kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng đạt 4,2% của năm 2020 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn là minh chứng cho thành công bước đầu của quá trình này. Tuy nhiên, trước những thách thức mới, đặc biệt là biến đổi khí hậu gay gắt và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Nông nghiệp Thủ đô đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế.

Do vậy, vấn đề đặt ra là xác định đúng “điểm nghẽn”, từ đó đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. Đây là nhiệm vụ cấp thiết nhằm tạo đột phá cho ngành Nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.   

Thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những khó khăn khách quan, nông nghiệp Hà Nội đang đứng trước hàng loạt những vướng mắc nội tại. Có thể kể ra như: Sản xuất còn manh mún, chưa hình thành được nhiều vùng chuyên canh tập trung sản xuất quy mô lớn; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm bước đầu phát huy hiệu quả nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế; đầu tư, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế...

Do vậy, để thực hiện hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 255/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước hết, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tập trung đầu tư vào những sản phẩm có thế mạnh, tránh dàn trải; ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; tăng đầu tư cho khuyến nông, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển thương hiệu, hướng tới xuất khẩu…

Cùng với đó, cơ cấu lại đất đai theo hướng tích tụ mạnh mẽ hơn để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang những giống cây, con mang lại giá trị kinh tế cao hơn…

Ngoài ra, cần cơ cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng gia tăng số lượng trang trại, gia trại sản xuất được đầu tư có năng lực quản trị chuyên nghiệp và hiện đại; phát triển các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trên cơ sở hợp tác tự nguyện giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp; phát triển các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, cụm liên kết sản xuất công - nông nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản… Đặc biệt, cần đẩy mạnh liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, phân phối… theo chuỗi giá trị, bảo đảm đầu ra.

Về phía các địa phương, cùng với việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo định hướng của ngành Nông nghiệp, cần quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, chú trọng xây dựng các mô hình điểm có hiệu quả cao để nhân rộng. Đồng thời gắn các kế hoạch phát triển của địa phương với việc triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, cần tuân thủ nghiêm ngặt định hướng đầu tư, sản xuất theo đúng quy hoạch đã phê duyệt; tích cực học hỏi các phương pháp sản xuất mới, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi…

Nhiệm vụ cấp thiết cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Hà Nội chỉ có thể thắng lợi khi tất cả các bên liên quan chung sức thực hiện, qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh của nông sản Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.