(HNMO) - Sáng 23-2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 53, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong nhiệm kỳ qua, với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, Chính phủ đã tập trung thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; xử lý công việc trên môi trường mạng để giảm giấy tờ...
Đặc biệt, Chính phủ đã xây dựng và vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của chính phủ điện tử, giúp đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số và lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Chính phủ cũng luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%.
Trước tác động của dịch Covid-19, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng phương án, kịch bản phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”; do đó, tăng trưởng năm 2020 đạt 2,91%, thuộc 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng duy trì mức xuất siêu tăng dần qua các năm, năm 2020, mặc dù nhiều thị trường xuất khẩu bị gián đoạn do dịch Covid-19 nhưng xuất siêu vẫn đạt hơn 19 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2020 ước đạt 82,66%, mức cao nhất giai đoạn 2016-2020.
Chính phủ cũng đã thực hiện tốt các chính sách xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, trước tác động của dịch Covid-19, với tinh thần nhất quán “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp, chính sách vượt trội, chưa từng có tiền lệ để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Chính phủ cũng đề ra các giải pháp kịp thời, kiên quyết, sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và phù hợp diễn biến dịch với phương châm “4 tại chỗ”; huy động, phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị, các lực lượng nòng cốt, cộng đồng xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp ngăn chặn thành công dịch Covid-19…
Trong nhiệm kỳ qua, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh; chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chính phủ cũng tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động, tích cực, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao.
Bày tỏ ấn tượng với việc Chính phủ đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội giao, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh vai trò của Chính phủ là cầu nối trung thực, hiệu quả với Đảng, với Quốc hội, với các tổ chức chính trị - xã hội, tạo ra sự chuyển biến nhận thức, sự chia sẻ, ủng hộ của nhân dân đối với Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề xuất Chính phủ quan tâm đánh giá đúng thực trạng “sức khỏe”, sự chịu đựng của nền kinh tế, của doanh nghiệp, người dân về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài; nếu đánh giá “sức khỏe” đúng, cần khẩn trương có chính sách cấp bách để hỗ trợ nhằm duy trì thực hiện “mục tiêu kép”…
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Chính phủ cần xem xét việc xác định nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế trong mọi tình huống, bởi vì nông nghiệp hiện chỉ chiếm tỷ trọng 14% trong GDP, nên nông nghiệp chỉ là bệ đỡ khi xảy ra tình huống bất thường, thiên tai, dịch họa…
Việt Nam là một trong bốn mươi nền kinh tế lớn nhất thế giới
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ rất thành công trong bối cảnh nhiệm kỳ có nhiều khó khăn, phức tạp nhưng Chính phủ vẫn vững vàng trong quản lý điều hành.
“Những dấu ấn nhiệm kỳ mà chúng ta thấy rõ nhất đó là Chính phủ rất năng động, sáng tạo, chủ động, tích cực trong quản lý điều hành”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần làm rõ hơn những vấn đề: Xử lý những tồn tại cũ như 12 dự án gây thất thoát, lãng phí ngân sách còn chậm, thúc đẩy những vấn đề mới chưa nhanh, trong đó có một số dự án trọng điểm quốc gia.
Bên cạnh đó, việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn chưa kịp thời; còn tồn tại một bộ phận cán bộ có tâm lý e ngại, sợ sai sót. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần đánh giá, tổng kết lại hoạt động của các tổ công tác, tổ công vụ của Chính phủ...
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP, quy mô nền kinh tế đạt hơn 340 tỷ USD, đứng trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năng suất lao động cải thiện rõ nét, vượt mục tiêu đề ra 5%, đóng góp các nhân tố tổng hợp bình quân 5 năm, đạt hơn 45,2%, vượt mục tiêu đề ra 30-35%. Tăng trưởng được cải thiện từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ…
Trong 5 năm qua, hơn 8 triệu việc làm mới được tạo ra, thu nhập bình quân người dân trong nhiệm kỳ qua đã tăng gần 145%. Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu… An ninh lương thực được bảo đảm, công nghiệp chuyển biến sâu tỷ trọng hàng xuất khẩu… Từ đó sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường thế giới tăng…
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, có được những kết quả trên chính là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự đồng lòng của nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các đơn vị, tổ chức với Chính phủ trong công tác điều hành, quản lý.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu, bổ sung để hoàn thiện dự thảo báo cáo trước khi trình Quốc hội xem xét.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.