(HNMCT) - Trong làng viết, nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa nổi danh là tác giả chuyên viết “trào phúng truyện”, “tạp nhạp văn”, “bình loạn xạ” với các bút danh Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ... nhiều năm “tung hoành” trên báo Tuổi trẻ Cười.
Hàng loạt tập truyện trào phúng của ông đã được xuất bản từ những năm 1990 như “Thằng láu cá”, “Hoa hậu phường Cây Mít”, “Ôi bóng đá”, “Vua lừa”, “Đám cưới nàng Thanh Mã”, “Nhà mùi học”, “Tùy viên giảm béo”, “Tào lao xịt bộp”... và gần nhất là hai cuốn “Nỗi buồn đàn ông”, “Nếu Adam không có xương sườn”. Lê Văn Nghĩa đã mang đến cho độc giả tiếng cười vui nhộn nhưng đầy tính phê phán, đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội.
Những tưởng cả đời Lê Văn Nghĩa thủy chung gắn bó với thể loại trào phúng thì ông lại mang đến bất ngờ cho độc giả khi hoài nhớ về thời đi học của mình, khi “khâu lại mảnh thời gian” của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh mấy mươi năm về trước.
Đầu tiên phải kể đến những trang viết về “mùa hè của những năm Petrus Ký”. Cuốn sách ngay khi ra đời đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt, liên tục được tái bản, đến nay đã là lần thứ 8. Nhà văn đã giải thích về sự ra đời của tác phẩm rằng, “tôi viết quyển truyện này để nhớ những người bạn, nhớ ngôi trường thân yêu, nhớ thầy, nhớ cô, nhớ những kỷ niệm đẹp kể cả những điều không vui”. “Mùa hè năm Petrus” dù rằng viết từ ký ức nhưng tất nhiên “những nhân vật trong truyện đều là hư cấu”. Viết “Mùa hè năm Petrus” cũng là cách để nhà văn Lê Văn Nghĩa “đi tìm sự an lạc nhằm chống chọi với bệnh tật bằng những kỷ niệm”.
Sau thành công của “Mùa hè năm Petrus”, nhà văn tiếp tục dấn bước trên con đường sáng tác cho thanh thiếu niên. Để rồi ông có “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”, “Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ”, và mới đây nhất là “Mùa tiểu học cuối cùng”. Lối viết giản dị mà hài hước của nhà văn Lê Văn Nghĩa đã trở thành những viên kẹo sắc màu thu hút các lứa học sinh, và ngay cả lứa trung niên miền Nam khi đọc sách cũng như được xem lại một cuốn phim về thời thơ ấu của mình.
Trong những trang viết hoài nhớ tuổi thơ ấy, độc giả nhận ra một không khí Sài Gòn của những năm 1960 luôn hiện hữu. Kể về Sài Gòn những năm tháng đã qua cũng là một đề tài mà những năm gần đây nhà văn Lê Văn Nghĩa dành nhiều tâm sức. Ông đã trải lòng mình với Sài Gòn qua nhiều bài tạp bút đăng trên các báo, rồi sau đó tập hợp và chọn lựa thành sách. Theo nhà báo Dương Thành Truyền, “Sài Gòn - Chuyện xưa mà chưa cũ”, “Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơ”, và “Sài Gòn - Khâu lại mảnh thời gian”, đã tạo thành bộ ba “Ký ức Sài Gòn” của nhà văn Lê Văn Nghĩa, khiến anh trở thành người chép sử bằng trái tim về nơi chốn anh đã sinh ra, lớn lên, làm việc và thành danh”.
Mới đây nhất, nhà văn Lê Văn Nghĩa lại bất ngờ cho ra mắt “Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 - Những chuyện bên lề”. Ông thổ lộ về lý do ra đời tác phẩm đầy hài hước là do... quá rảnh. Vì “quá rảnh, tôi thường đọc lại những tờ báo, các tạp chí văn học trước năm 1975 để tìm tư liệu về Sài Gòn. Rồi sau đó, được đọc thêm một số hồi ký của các nhà văn Sài Gòn kể lại cuộc đời của họ có liên quan đến bạn bè, bối cảnh xã hội, và những lý do “bí mật” thúc đẩy họ trở thành người cầm bút. Có những câu chuyện thật vui, cũng có những câu chuyện buồn rơi nước mắt. Có những chuyện thật cảm động, có những chuyện thật chán phèo cho cái tình đời”.
Bởi quan niệm “những trang văn, những quyển truyện dài, khi đã ra mắt bạn đọc đều có dấu ấn của cuộc đời tác giả - không ít thì nhiều”, nên nhà văn Lê Văn Nghĩa đã “tầm chương, trích cú” đủ thứ chuyện chung quanh cuộc sống, những sự kiện văn học... gần như theo kiểu “nghe hơi nồi chõ”, có tính chất gần với giai thoại để “giúp người đọc khám phá một chút gì đó”. Dày gần 500 trang, “Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 - Những chuyện bên lề" kể lại 141 câu chuyện “bên lề” đầy hấp dẫn xoay quanh cuộc đời và tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ như Bình Nguyên Lộc, Vũ Hạnh, Mai Thảo...
Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Ông làm việc tại báo Tuổi trẻ từ năm 1975 cho đến khi nghỉ hưu năm 2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.