(HNM) - Cuộc đàm phán ngày 16-12 giữa các quan chức cấp cao Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng tại Đông Bắc Á đã kéo dài tới 10 tiếng. Đây là lần gặp gỡ đầu tiên kể từ khi hai nước áp dụng những chính sách hạn chế thương mại nhằm vào nhau.
Sự kiện diễn ra vào thời điểm mối quan hệ giữa hai đồng minh của Mỹ ở châu Á xuống mức thấp kỷ lục từ tháng 7-2019, sau khi Nhật Bản giảm xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 nguyên liệu quan trọng sử dụng trong sản xuất thiết bị bán dẫn với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Động thái này đã đe dọa tới ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao, một trong những trụ cột của kinh tế Hàn Quốc cũng như chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ toàn cầu. Chỉ một tháng sau, Nhật Bản tiếp tục loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại ưu đãi.
Đáp lại, Seoul cáo buộc hành vi của Tokyo là “vũ khí hóa” các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm trả đũa phán quyết của Tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những lao động Hàn Quốc bị đối xử bất công trong giai đoạn năm 1910 đến năm 1945.
Trong bối cảnh như vậy, việc cuộc đối thoại đạt kết quả tích cực có ý nghĩa quan trọng. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho biết, sự kiện quan chức hai nước ngồi vào bàn đàm phán đã là một tiến triển đáng khích lệ.
Tuy nhiên, Tokyo vẫn bảo lưu quan điểm rằng việc kiểm soát xuất khẩu, nhất là những mặt hàng nhạy cảm, trong bối cảnh an ninh quốc tế phức tạp như hiện nay là rất cần thiết. Về phần mình, mặc dù chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng là làm thay đổi quyết định hồi tháng 7 của Nhật Bản nhưng Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết cuộc gặp lần này đã giúp hai bên đạt được “nhận thức chung” là cần theo đuổi việc quản lý hiệu quả hệ thống xuất khẩu và tiếp tục đàm phán để giải quyết những vấn đề nổi cộm. Hai bên cũng thống nhất sẽ tổ chức cuộc đối thoại tiếp theo tại Seoul vào thời điểm “sớm nhất có thể”.
Kết quả đáng mừng này cũng đã được dự đoán khi cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu giảm căng thẳng. Từ cuối tháng 11, Hàn Quốc đã quyết định hoãn việc chấm dứt Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản, đồng thời tạm dừng quy trình khởi kiện Tokyo lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan đến siết chặt quy định xuất khẩu 3 mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc.
Tuy nhiên, để hai nước có thể giải quyết hoàn toàn căng thẳng trong một sớm một chiều chắc chắn khó xảy ra. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết không kỳ vọng một giải pháp nhanh chóng cho bất đồng trong khi Thủ tướng Shinzo Abe từng chia sẻ rằng, quan hệ Nhật - Hàn sẽ khó có thể được cải thiện toàn diện trong ít nhất 5 năm tới. Nhận định này có căn cứ khi căng thẳng giờ đây đã lan rộng, thậm chí dẫn tới những phong trào tẩy chay hàng hóa của nước này tại thị trường nước kia.
Theo cuộc thăm dò ý kiến do hai tờ báo The Yomiuri Shimbun và The Hankook Ilbo phối hợp thực hiện, có tới 74% người Nhật Bản tham gia cho biết không tin tưởng Hàn Quốc, mức cao nhất kể từ năm 1996. Ngược lại, khoảng 75% người Hàn Quốc được hỏi khẳng định Nhật Bản không đáng tin cậy. Trong nhận xét về quan hệ song phương, tỷ lệ đáp án “xấu” ở người dân hai nước đều vượt ngưỡng 82%.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng thành công của cuộc gặp gỡ lần này là bước tiến có giá trị, là khởi đầu quan trọng cho việc khai thông bế tắc giữa hai nền kinh tế nhóm đầu châu Á, đồng thời tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Thành Đô (Trung Quốc) vào tuần tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.