(HNMO) – Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), đối với Việt Nam và Nhật Bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo ông Munehiko Tsuchiya, dự án mang ý nghĩa chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung và hợp tác hữu nghị giữa thành phố Hà Nội - Tổ chức NEDO nói riêng. Đây là dự án thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Dự án đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thống nhất đưa vào nội dung Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản thông qua ngày 18-3-2014.
Ông Munehiko Tsuchiya - Giám đốc điều hành, Phó Chủ tịch Tổ chức NEDO (Nhật Bản) tại buổi họp báo về Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn ngày 16-4 |
Dự án được triển khai theo nội dung Biên bản ghi nhớ MOU giữa UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức NEDO - Nhật Bản ký kết ngày 06-7-2012; Biên bản ghi nhớ được sửa đổi, bổ sung ngày 23-4-2014.
Ngày 15-8-2012, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị và Công ty Hitachi Zosen - Nhật Bản đã ký kết Tài liệu thực hiện Dự án ID để thống nhất các nội dung công việc và kế hoạch triển khai thực hiện Dự án; Tài liệu thực hiện Dự án được sửa đổi, bổ sung ngày 29-4-2014.
Đây là dự án trình diễn mẫu
Góp phần tạo ra môi trường sống trong lành hơn
Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) do UBND thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản; Công ty TNHH NN MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) là chủ đầu tư. Cơ quan thực hiện dự án: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO); cơ quan thực hiện dự án phía Nhật bản là Công ty HITACHI ZOSEN – Nhật Bản. Hình thức hợp tác đầu tư: dự án hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam – Nhật Bản thông qua chương trình Viện trợ Xanh
Dự án có tổng mức đầu tư 29,2 triệu USD (tương đương hơn 613,39 tỷ đồng). Trong đó, chi phí do phía NEDO-Nhật Bản tài trợ 1,77 tỷ Yên (tương đương 22,5 triệu USD, tương đương 472,66 đồng), bao gồm: chi phí chế tạo thiết bị xử lý chất thải, xử lý khí thải, sản xuất điện năng và chuyển giao công nghệ); Chi phí do phía Việt Nam thực hiện là 6,7 triệu USD (tương đương hơn 140,73 tỷ đồng), bao gồm: chi phí tư vấn và chuẩn bị đầu tư, chi phí xây lắp, chi phí thiết bị phụ trợ, vận chuyển và lắp đặt, đấu nối điện, dự phòng phí,… Thời gian thực hiện dự án 2014-2016. Diện tích đất xây dựng là 1ha
Thông số kỹ thuật cơ bản của Dự án: Công suất lò đốt 75 tấn/ngày; loại lò đốt là lò quay (Rotary kiln – stoker) với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, sản xuất năm 2012, đảm bảo các tiêu chuẩn của Việt Nam; có thể xử lý được nhiêù loại rác thải khác nhau: cao su, da, nhựa và vải, bã giấy, cặn sơn,…., rác thải y tế, rác sinh hoạt đã phân loại. Hệ thống xử lý khí thải: Phương pháp xử lý khô; hệ thống thu hồi nhiệt để phát điện; công suất phát điện 1.930 KW; đời sống kinh tế của dự án: 25 – 30 năm.
Kỹ sư, công nhân Công ty Lilama 69-1 đang thi công kết cấu thép để đổ bê tông móng Dự án |
Tính ưu việt của loại lò đốt Rotary kiln – Stoker (Công nghệ Nhật Bản) là có thể xử lý nhiều loại rác thải khác nhau bao gồm chất thải có nhiệt trị cao và kích thước lớn; giảm thiểu lượng cặn carbon; không tạo xỉ; tính ổn định cao; lượng Dioxin đảm bảo Tiêu chuẩn của Việt Nam
Mục tiêu của dự án là “sử dụng rác thải công nghiệp cho sản xuất điện năng” được quy định Biên bản ghi nhớ MOU và thể thiện chi tiết tại Tài liệu thực hiện Dự án ID là phát điện lên lưới điện quốc gia. Tuy công suất phát điện của Dự án (1,93 MW) không lớn nhưng là dự án thiết thực bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu tận thu nguồn năng lượng sạch từ việc xử lý chất thải công nghiệp và phát điện lên lưới điện quốc gia phục vụ cho lợi ích của xã hội.
Theo ông Munehiko Tsuchiya, đối với dự án nhằm tận dụng nhiệt được tạo ra trong quá trình xử lý rác thải vào mục đích phát điện. Nguồn điện này một phần được sử dụng cho nội bộ nhà máy xử lý rác thải, một phần sẽ được truyền tải lên lưới điện quốc gia.
Ông Munehiko Tsuchiya nhấn mạnh, ngoài mục đích là phát điện, thì hiện nay nhiều người đang lo lắng về khí thải dioxin và các chất thải độc hại khác do lò đốt gây ra. Tuy nhiên, với công nghệ của NEDO đang thực hiện tại dự án bảo đảm không có phát thải về khí dioxin và các khí thải độc hại khác.
Ông khẳng định với công nghệ này giúp cho người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung sẽ có được môi trường sống tốt đẹp hơn, trong lành hơn. Qua công nghệ xử lý này sẽ góp phần cải thiện môi trường tại Việt Nam hiện nay. Ông mong muốn qua dự án mẫu này có thể sẽ nhân rộng ra các địa phương khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Theo ông Hiroyoshi Yamazaki – Giám đốc Dự án Hitachi Zosen (Nhật Bản), dự án nhằm mục đích giải quyết vấn đề về năng lượng và môi trường. Công nghệ được áp dụng tại dự án là công nghệ tiên tiến nhất hiện này của Nhật Bản. Hiện nay, kinh tế của Việt Nam phát triển rất là nhanh chóng . Cùng với quá trình phát triển như vậy, Việt Nam cũng đang gặp phải các vấn đề về môi trường mà Nhật Bản cũng từng trải qua và đã có kinh nghiệm đối phó.
Ông Hiroyoshi Yamazaki mong muốn thông qua dự án với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản sẽ giúp cho Việt Nam có thể giải quyết được những vấn đề về môi trường đặt ra hiện nay trong quá trình phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, muốn chứng minh rằng, bằng công nghệ tiên tiến được áp dụng tại dự án này chất thải cũng là một nguồn nguyên liệu để có thể góp phần tạo ra năng lượng sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường.
Ông Hiroyoshi Yamazaki: "Thông qua dự án này sẽ đóng góp cho vấn đề cải thiện môi trường tại Việt Nam" |
Ông Hiroyoshi Yamazaki nhấn mạnh, trong quá trình xử lý chất thải công nghiệp tạo ra rất nhiều các khí thải độc hại. Tuy nhiên, với công nghệ tiên tiến, thì khí thải thông qua các ống khói đều đáp ứng được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất của Nhật Bản về hiệu ứng môi trường. Bởi vậy, thông qua dự án này sẽ đóng góp cho vấn đề cải thiện môi trường tại Việt Nam.
Theo ông Hiroyoshi Yamazaki, trước đây và hiện nay, phần lớn lượng rác thải công nghiệp tại Việt Nam đều được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Nhưng với dự án này áp dụng công nghệ đốt và trong quá trình đốt sẽ thu hồi nhiệt để sử dụng và biến đổi thành năng lượng điện. Theo tính toán, khi thành năng lượng điện thì 750KW sẽ được dùng cho nội bộ nhà máy xử lý, phần còn lại được truyền tải lên lưới điện quốc gia. Như vậy, có thể thấy rằng đây là một công nghệ rất tiên tiến mang tính cách mạng, góp phần giải quyết cả 2 vấn đề đặt ra hiện nay cho xã hội là giải quyết ô nhiễm môi trường và nhu cầu về năng lượng.
Tháng 5-2016 sẽ hoàn thành
Để đôn đốc, hướng dẫn Chủ đầu tư thực hiện Dự án đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu đầu tư, hiệu quả đầu tư Dự án phê duyệt tại Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 25-02-2013, UBND thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành tại Quyết định số 2349/QĐ-UBND ngày 02-4-2013. Tổ công tác định kì tổ chức họp hàng tháng, đến nay đã tổ chức họp 17 phiên có đầy đủ thành phần tham dự của phía Tổ chức NEDO và Công ty Hitachi Zosen để trao đổi, thống nhất giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Kết thúc mỗi phiên họp, Sở Tài nguyên và Môi trường đều có thông báo kết luận cuộc họp, báo cáo UBND Thành phố và gửi Chủ đầu tư, các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện theo nhiệm vụ, theo thẩm quyền được giao có liên quan đến Dự án.
Do yêu cầu cấp bách về tiến độ hoàn thành trong quý II/2016, nên dự án vừa triển khai thiết kế vừa tổ chức thi công. Đến thời điểm này, tiến độ thực hiện cụ thể: Thiết kế bản vẽ thi công hạng mục móng, cọc bê tông cốt thép đã được Sở Xây dựng thẩm định tại văn bản số 1286/SXD-TĐ ngày 13-2-2015, nhà thầu thi công Công ty Lilama 69-1 đã thi công xong hạng mục ép cọc đại trà 147 cọc ngày 25-3-2015.
Thiết kế bản vẽ thi công hạng mục xử lý nền, móng các công trình của Dự án đã được Sở Xây dựng thẩm định tại văn bản số 1682/SXD-TĐ ngày 13-2-2015, nhà thầu thi công Công ty Lilama 69-1 đã tổ chức thi công đào xong phần móng công trình và đang thi công kết cấu thép để đổ bê tông móng.
Thiết kế bản vẽ thi công hạng mục xây dựng, cơ khí đường ống, đo đạc, điện, quy trình vận hành bảo dưỡng và hồ sơ thuyết minh công nghệ đã được đơn vị tư vấn Công ty DILEC thẩm tra và đã có báo cáo kết quả thẩm tra ngày 18-3-2015. Kết quả đến nay, Chủ đầu tư đang phối hợp với nhà thầu thiết kế Công ty CIMAS hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công theo ý kiến của đơn vị tư vấn thẩm tra nộp Sở Xây dựng thẩm định trong thời gian ngắn nhất làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp công trình.
Tháng 5-2016 sẽ hoàn thành dự án |
Ông Munehiko Tsuchiya cho biết, ngày 14-4 vừa qua, khi vừa đến Hà Nội, ông đã lên Khu xử lý rác thải Nam Sơn để kiểm tra hiện trường dự án. Theo ông Munehiko Tsuchiya, các đơn vị tại đây hợp tác rất tích cực để đẩy nhanh tiến độ của dự án, với mục tiêu đến tháng 5-2016 sẽ hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động.
Ông Munehiko Tsuchiya cho biết, vào hôm qua (15-4), ông đã được dự cuộc họp với các ban, ngành chức năng của thành phố do Phó Chủ tịch Thường trực thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh chủ trì. Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt các ban, ngành và các cơ quan liên quan thực hiện tích cực để bảo đảm chất lượng và hoàn thành dự án vào tháng 5-2016.
Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa chính trị, ngoại giao của Dự án và chỉ đạo Tổ công tác liên ngành Thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức NEDO tổ chức các phiên họp định kỳ kiểm tra tiến độ thực hiện và kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án. Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo tiến độ đề ra. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty điện lực Hà Nội để triển khai hạng mục phát điện lên lưới điện quốc gia nhằm đạt được đúng mục tiêu, ý nghĩa của dự án xử lý chất thải công nghiệp để phát điện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.