Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhật Bản: Chật vật đối phó thâm hụt thương mại

Quỳnh Dương| 22/04/2023 06:44

(HNM) - Trong bối cảnh chật vật lấy lại đà hồi phục sau khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và hệ lụy từ cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra, nền kinh tế Nhật Bản lại đón thêm một tin tức không mấy lạc quan khi cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt năm thứ hai liên tiếp lên mức kỷ lục 21.730 tỷ yen (160 tỷ USD). Chi phí năng lượng tăng và đồng yen mất giá là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.

Kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tài khóa 2022 tăng 32,2% so với tài khóa 2021.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, trong tài khóa 2022, kim ngạch nhập khẩu tăng 32,2% so với tài khóa 2021 lên 120.950 tỷ yen, trong khi xuất khẩu tăng 15,5% lên 99.230 tỷ yen. Dầu thô, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng là những mặt hàng chính khiến kim ngạch nhập khẩu tăng. Các mặt hàng ô tô, sắt, thép góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu do nhu cầu tăng mạnh ở thị trường quốc tế trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 giảm dần. Trong khi đó, đồng yen mất giá mạnh so với đồng USD trong tài khóa 2022 khiến chi phí nhập khẩu tăng cao.

Nhật Bản đạt thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 6.650 tỷ USD, nhưng thâm hụt kỷ lục ở mức 6.810 tỷ yen với Trung Quốc. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Nhật Bản với Liên minh châu Âu (EU) ở mức 1.770 tỷ yen - mức cao kỷ lục trong năm thứ 11 liên tiếp.

Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Nhật Bản đã bộc lộ nhiều điểm yếu, trong đó có việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung bên ngoài đối với một số mặt hàng chiến lược, khiến kinh tế dễ bị tổn thương khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Bên cạnh đó, an ninh kinh tế cũng là vấn đề nóng trong bối cảnh xung đột giữa Nga - Ukraine và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung vẫn đang quyết liệt.

Trong báo cáo kinh tế tháng 3-2023, Chính phủ Nhật Bản đánh giá, nền kinh tế nước này đang phục hồi nhẹ, song duy trì cảnh báo những bất ổn trên thị trường khi khả năng rủi ro gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng mới đây tại Ngân hàng Credit Suisse ở Thụy Sĩ và sự sụp đổ của hai ngân hàng lớn tại Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng đã cảnh báo tình hình "sức khỏe" tài khóa của nước này đang xấu đi với quy mô chưa từng có sau các đợt chi tiêu lớn liên quan đến đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị.

Để đối phó với những nguy cơ ảnh hưởng tới nền kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết, ông sẽ liên lạc chặt chẽ với chính phủ và điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt. Mục tiêu của BOJ là đưa lạm phát về mức 2% trong thời gian sớm nhất và loại bỏ chính sách kiểm soát lợi suất vốn bị chỉ trích vì bóp méo thị trường và làm tổn hại đến lợi nhuận ngân hàng.

Chính phủ Nhật Bản đã soạn thảo gói biện pháp chống lạm phát mới có tổng trị giá lên tới 2.000 tỷ yen (15 tỷ USD) nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực của tình trạng giá lương thực và năng lượng tăng cao tới các hộ gia đình ở nước này, nhất là các hộ gia đình có thu nhập thấp. Số tiền trên được trích từ quỹ dự phòng trong ngân sách của tài khóa 2023 bắt đầu vào ngày 1-4. Một phần của gói biện pháp này là trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm lại cùng các chính sách thắt chặt tiền tệ đang ảnh hưởng không nhỏ tới những quyết sách sắp tới của xứ sở hoa Anh đào. Ngoài ra, việc chấm dứt những biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 cũng đang thúc đẩy tiêu dùng và có thể kích thích một đợt tăng giá mới đối với các nhu yếu phẩm hằng ngày.

Chính phủ Nhật Bản hy vọng, gói ngân sách 2023 sẽ vạch ra con đường để giải quyết những thách thức lớn mà Nhật Bản đang phải đối mặt ở trong và ngoài nước, qua đó định hình tương lai của nước này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản: Chật vật đối phó thâm hụt thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.