(HNM) - Tạm gác lại những sóng gió trong quan hệ giữa Nhật Bản với hai quốc gia Đông Bắc Á sau chuyến viếng đền Yasukuni cuối tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện chuyến công du 4 quốc gia Trung Đông - Châu Phi một tuần từ ngày 9 đến 15-1.
Chuyến "xuất ngoại" đầu tiên trong năm 2014 của nhà lãnh đạo xứ Mặt trời mọc không chỉ mang theo những cam kết viện trợ, những thỏa thuận hợp tác… mà quan trọng hơn là hiện thực hóa quyết tâm biến khu vực giàu tiềm năng này thành vùng đất hứa của tăng trưởng trong tương lai không xa.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Quốc vương Oman Qaboos bin Said. |
Với quyết tâm đó, ngay trong cuộc hội kiến đầu tiên với Quốc vương Oman Qaboos bin Said, Thủ tướng S.Abe đã đề cập tới một loạt hợp tác với quốc gia Trung Đông này. Không chỉ gia tăng hợp tác an ninh hàng hải, Nhật Bản còn hoan nghênh việc Oman cung cấp dầu khí cho Tokyo khi Nhật Bản đang tăng mạnh nhập khẩu nhiên liệu trong bối cảnh tạm thời đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân kể từ sau sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 tháng 3-2011. Nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng hoan nghênh thỏa thuận sơ bộ về đầu tư song phương với Oman nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước mở chi nhánh hoạt động. Không dừng lại ở đó, hai bên còn nhất trí khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tham gia các dự án dầu khí của Oman; triển khai đối thoại chiến lược giữa các bộ của hai nước nhằm thúc đẩy trao đổi quốc phòng và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tận dụng các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.
Oman là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du và đây cũng là quốc gia cuối cùng trong số 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) mà Thủ tướng S.Abe từng đến thăm kể từ khi nhậm chức hồi cuối năm 2012 nhằm thúc đẩy hợp tác của Nhật Bản với khu vực Trung Đông. Đây không phải lần đầu tiên Nhật Bản quan tâm tới vựa dầu lửa của thế giới, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì chuyến công du của Thủ tướng S.Abe có rất nhiều ý nghĩa.
Ngay sau khi kết thúc chặng dừng duy nhất tại Trung Đông (10-1), Thủ tướng S.Abe lần lượt tới thăm ba nước ở khu vực Châu Phi là Côte d'Ivoire, Mozambique và Ethiopia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản tới khu vực hạ Sahara của Phi Châu trong 8 năm qua. Chuyến công du được xem là một phần trong cam kết của Thủ tướng S.Abe đưa ra tại Hội nghị Phát triển Châu Phi lần thứ 5, diễn ra hồi tháng 6 năm ngoái ở Yokohama (Nhật Bản), với việc viện trợ 3.200 tỷ yen (tương đương 32 tỷ USD) cho Lục địa đen phát triển cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới.
Nói tới Châu Phi là nhắc đến những mỏ kim loại lớn, nguồn tài nguyên phong phú mà thiên nhiên ban tặng cho lục địa được xem là cái nôi của loài người. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 85% lượng platinum được sử dụng tại Nhật Bản - chủ yếu trong ngành công nghiệp ô tô - và 67% mangan được nhập khẩu từ đây. Tuy nhiên, chiến lược của Nhật Bản dường như không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận nguồn tài nguyên dồi dào. Cho rằng quan hệ Nhật Bản và Châu Phi đang ở giai đoạn hết sức tốt đẹp, Thủ tướng S.Abe phát biểu với báo giới rằng, việc chọn các nước này cho chuyến công du đầu tiên năm 2014 nằm trong chiến lược ngoại giao của Nhật Bản. Tuyên bố của Thủ tướng S.Abe một lần nữa cho thấy Nhật Bản đã xem Trung Đông và Châu Phi như một đối tác kinh tế tiềm năng hơn là khu vực chỉ nhận viện trợ.
Vậy là sau Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc, Nhật Bản giờ đây đang khẳng định sự quan tâm đến Lục địa đen. Đây hẳn là một nhiệm vụ khó khăn với các nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á khi Trung Quốc đang được xem như một "diễn viên chính" trong quá trình phát triển Châu Phi với lợi thế đến trước. Dẫu vậy, không ít chuyên gia nhận định rằng Nhật Bản đang có những bước đi chậm nhưng chắc; không đầu tư tràn lan mà có chọn lọc vào các dự án cụ thể, chủ yếu là cơ sở hạ tầng vốn là thế mạnh của Nhật Bản. Và cuộc đua giữa các cường quốc tại Châu Phi hứa hẹn nhiều thú vị trong thời hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.