(HNM) - Hôm nay 20-11, ngày để lớp lớp thế hệ học trò tri ân, tôn vinh các thầy, cô giáo, nhưng cũng là dịp để mỗi thầy, cô giáo ý thức hơn về trách nhiệm của mình với nghề, với xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội đang thay đổi từng ngày, bên cạnh thuận lợi, những nhà giáo cũng đang gánh thêm những trọng trách nặng nề để hoàn thành sứ mệnh “trồng người” trong giai đoạn mới.
Trên tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...
Những năm qua, cùng với cả nước, thành phố Hà Nội đã có những đầu tư không nhỏ cho lĩnh vực này. Đặc biệt, với đội ngũ nhà giáo - nhân tố căn bản quyết định chất lượng giáo dục, Hà Nội đã có sự quan tâm toàn diện, từ việc đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đến xây dựng cơ sở trường lớp để tạo thuận lợi trong công tác giảng dạy. Minh chứng cho điều này là việc thành phố đã xây mới để thay thế hơn 5.500 phòng học cấp 4 ở các trường học khu vực khó khăn; và riêng năm 2019, kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đã lên đến 14 tỷ đồng... Nhờ đó, chất lượng giáo dục của thành phố tiến bộ rõ rệt, nhiều năm liền giữ vững vị trí dẫn đầu ngành Giáo dục cả nước.
Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục không chỉ là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, mà còn là đòi hỏi của xã hội, của thời đại và phù hợp với quy luật phát triển. Trước yêu cầu lớn lao này, nhà giáo là gốc rễ, là trọng tâm của công cuộc đổi mới. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, mỗi nhà giáo phải có những chuyển động thích ứng với thời cuộc.
Để thực hiện được yêu cầu trên, ngành Giáo dục Thủ đô cần nhìn thẳng vào thực trạng của đội ngũ nhà giáo hiện nay, có đánh giá công bằng, khách quan về sự đáp ứng của giáo viên trước yêu cầu nhiệm vụ. Từ đó, thường xuyên rà soát, đánh giá năng lực đội ngũ này để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp phù hợp với công việc.
Cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc nâng cao chất lượng đào tạo là một nhu cầu bức thiết của xã hội cũng như đối với các cơ sở đào tạo, có tác động mạnh mẽ đến chất lượng nguồn lực cho phát triển. Trong rất nhiều các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thì giải pháp đổi mới phương pháp dạy học được xem là khâu vô cùng quan trọng ở tất cả các cơ sở giáo dục. Để làm được điều này, trên tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, mỗi cấp học, mỗi trường học ở Hà Nội cần có những định hướng đổi mới và phát triển cụ thể trong từng mảng, từng lĩnh vực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng khu vực.
Nhưng điều quan trọng hơn là bản thân mỗi giáo viên phải tự đổi mới, tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn, để có nghiệp vụ vững vàng. Đồng thời, phải luôn giữ gìn, hoàn thiện về nhân cách, đạo đức nhà giáo. Dù ở thời đại nào, dù xã hội biến đổi ra sao, mỗi thầy, cô giáo vẫn phải luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ truyền thống nhà giáo, để nghề giáo mãi là nghề cao quý, được xã hội tôn vinh.
… Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Trong đó nhân tố căn bản quyết định chất lượng giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ nhà giáo cả nước nói chung, của Thủ đô nói riêng. Chất lượng giáo dục chỉ thực sự phát triển khi đội ngũ giáo viên tâm huyết, chủ động và sáng tạo với sự nghiệp "trồng người".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.