Những ngày này, dư luận bàn nhiều về việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Tuy nhiên, như nhiều người nhận định, đây là một việc khó, đã thực hiện nhiều năm qua nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Bây giờ, nếu muốn thành công thì phải có cách tiếp cận mới và phải kiên trì, bền bỉ. Và không ít ý kiến cho rằng, để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thì phải đặc biệt coi trọng vai trò của phụ nữ, phải huy động được phụ nữ tham gia thì mới có thể tạo ra sự đột phá. Có thể thấy nhận định này không phải là không có cơ sở.
Thực tế đời sống xã hội những năm qua cho thấy, cách thức tổ chức, nhân rộng mô hình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa thực sự tạo ra được phong trào hành động rộng rãi trong cộng đồng, nhất là trong nữ giới ở Thủ đô. Chính vì vậy, Chỉ thị 30 được ban hành là cơ hội để các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở đặt phụ nữ vào đúng vị trí, phát huy vai trò, khả năng của chị em để tạo ra sức bật mới cho nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Chỉ thị 30 đã nêu rõ: “Xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình: Lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý...; xây dựng gia đình học tập, gia đình văn hóa, ấm no, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc”. Phải khẳng định luận điểm này rất đúng khi xác định gia đình là nền tảng để xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, mà phụ nữ chính là hạt nhân của tế bào này. Gia đình là nơi phản ánh trung thực, rõ nhất dấu ấn, vai trò của người phụ nữ. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “phúc đức tại mẫu”, phụ nữ là phúc khí của mỗi gia đình... Với vai trò làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ có ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình cũng như sự thành đạt, thành công của các thành viên của gia đình khi ra ngoài xã hội. Có thể nói, “giao diện” văn hóa của mỗi gia đình có vai trò rất lớn của người phụ nữ.
Ngoài “giữ lửa” trong gia đình, phụ nữ còn đóng vai trò quan trọng trong xã hội, bởi "phụ nữ là một nửa thế giới". Thực tiễn hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc đã chứng minh, phụ nữ nếu được huy động hiệu quả sẽ trở thành lực lượng quan trọng làm thay đổi xã hội. Tại Đại hội lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành "Nghị quyết về Vận động phụ nữ", trong đó nhấn mạnh: "Lực lượng phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thể thắng lợi được". Chính vì được coi trọng đúng mức, phát huy đúng sở trường, phụ nữ Việt Nam đã lập nên những kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước, được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Chính vì vậy, để phát huy được vai trò của phụ nữ trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, các cấp ủy Đảng phải tạo ra phong trào thi đua mạnh mẽ, thường xuyên trong các cấp tổ chức hội phụ nữ gắn với các tiêu chí, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, được đánh giá thường xuyên, xếp loại, gắn với thi đua khen thưởng. Cần thiết tổ chức hội phụ nữ phải xây dựng được bộ tiêu chí gia đình hội viên thanh lịch, văn minh để làm căn cứ kiểm tra, chấm điểm tạo khí thế thi đua. Trên cơ sở vai trò trung tâm của hội phụ nữ, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần quan tâm, đưa nhân tố nữ thành tâm điểm trong phong trào; lấy cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nữ, giáo viên nữ, học sinh nữ ra làm đầu tàu, gương mẫu tổ chức thực hiện.
Làm được như thế thì chắc chắn mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh sẽ có những bước tiến mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.