(HNM) - Do lịch sử để lại, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn (gọi là cấp xã), nhất là chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã của thành phố Hà Nội hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Đa số đã công tác lâu năm, tuy nhiều kinh nghiệm nhưng ít người được đào tạo bài bản; một số khác chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ. Còn một bộ phận nhỏ lãnh đạo cấp xã có biểu hiện sa sút về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ tổ chức và công dân.
Cá biệt, một số người còn có biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền khi giải quyết công việc, gây khó khăn cho tổ chức và công dân. Trong khi đó, đây là đội ngũ hằng ngày tiếp xúc trực tiếp, là “hình ảnh” phản chiếu hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Thủ đô.
Sớm nhận thức được những bất cập trên, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã chú trọng mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã. Đây là bước cụ thể hóa Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2315/QĐ-UBND ngày 17-4-2017. Từ năm 2018 đến nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức được 9 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 845 đồng chí diện này.
Tín hiệu từ cơ sở cho thấy, nhiều chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã sau khi hoàn thành lớp đào tạo, bồi dưỡng do thành phố tổ chức đã đem kiến thức mới vào thực tiễn công việc rất thành công. Họ chính là nhân tố lan tỏa, thúc đẩy phương pháp làm việc mới theo hướng “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả) xuống cấp dưới.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, nhiệm vụ đối với cấp xã, phường, thị trấn thời gian tới sẽ ngày càng nặng nề. Theo đó, khu vực nông thôn sẽ phải tiếp tục hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Ở khu vực quận, thị xã sẽ thực hiện “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, trước mắt là chuẩn bị kỹ lưỡng các nguồn lực để khi dự thảo Nghị quyết về “Thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội” được Quốc hội thông qua sẽ phải nhanh chóng triển khai.
Với nhóm nội dung này, Hà Nội dự kiến đề xuất xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận) và một cấp hành chính tại phường ở khu vực đô thị; mô hình tổ chức ba cấp chính quyền (cấp thành phố; cấp huyện, thị xã và cấp xã) ở khu vực nông thôn.
Nội dung các phần việc này yêu cầu trách nhiệm của chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã ngày càng cao; đồng thời các hình thức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ cũng phải đổi mới, phù hợp với xu hướng phát triển. Ngoài ra, rất cần mở rộng thêm một số kỹ năng khác như: Ứng xử với truyền thông, xây dựng chính quyền điện tử...
Mặt khác, với đội ngũ chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, không chỉ tham gia nghiêm túc các khóa đào tạo do thành phố tổ chức, lĩnh hội đầy đủ kiến thức, mà sau đó tiếp tục phải không ngừng tự học nâng cao trình độ, hoàn thiện kỹ năng công tác, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Đảng ta đã khẳng định: Cán bộ, công chức là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức vừa “hồng” vừa “chuyên”. Vì vậy, nhìn rộng ra, việc quan tâm xây dựng đội ngũ chủ tịch, phó chủ tịch cấp xã có đủ phẩm chất, năng lực luôn là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài trong sự nghiệp phát triển của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.