(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS - gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại Durban, Nam Phi, đã và đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo BRICS đã mang đến nhiều hy vọng cho bức tranh kinh tế thế giới. |
Trước hết, với chủ đề của hội nghị, BRICS khẳng định mục tiêu tạo sức mạnh ảnh hưởng nhằm cân bằng kinh tế toàn cầu, ủng hộ các nền kinh tế đang phát triển vượt qua mọi rào cản về địa lý và ý thức hệ trong bối cảnh phức tạp của toàn cầu hóa.
Bởi vậy, ngay trong ngày nhóm họp đầu tiên, 5 nước thành viên đã nhất trí thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS với nguồn vốn khoảng 50 tỷ USD (trong đó mỗi nước dự kiến góp 10 tỷ USD). Đây sẽ là một đối trọng với các định chế tài chính do phương Tây hậu thuẫn. Giới phân tích cho rằng, sự kiện Ngân hàng Phát triển BRICS ra đời là bước đi cụ thể hướng tới mục tiêu thiết lập một trật tự tài chính toàn cầu công bằng hơn; đồng thời nhằm đối phó tích cực với một khủng hoảng như Châu Âu đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, BRICS cũng thành lập một quỹ ngoại hối trị giá hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Hiện tổng dự trữ ngoại tệ của BRICS lên tới 4.400 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 3/4. Với lượng dự trữ ngoại hối không thể xem thường, BRICS được đánh giá là có khả năng hỗ trợ nền kinh tế Châu Âu một cách hiệu quả. Thêm nữa, hai định chế khác là Hội đồng kinh doanh BRICS và Viện Nghiên cứu chính sách của BRICS dự kiến được thành lập sẽ góp những "nhịp đập" mới trên diễn đàn kinh tế thế giới...
Với những gì diễn ra tại Nam Phi, dư luận hy vọng về bước tiến khả quan của kinh tế thế giới sau cuộc tập hợp BRICS. Bởi trước đó, nói đến BRICS, giới quan sát thường đề cập đến sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của từng thành viên riêng lẻ chứ chưa phải là một khối thống nhất, vững mạnh. Nguyên nhân chính là do BRICS thiếu một kế hoạch hành động chung, sự gắn kết giữa các thành viên chỉ chủ yếu theo mô hình hợp tác song phương. Thêm vào đó, trong nội bộ BRICS cũng không có sự thống nhất về lợi ích. Cụ thể, nếu như Brazil và Nga hy vọng giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng để hưởng lợi thì Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước lớn về sản xuất hàng hóa, lại muốn giá năng lượng và nguyên liệu thô giảm để tiết kiệm chi phí sản xuất. Thêm nữa Brazil, quốc gia sản xuất nông nghiệp có sức cạnh tranh nhất thế giới nhưng vẫn không thể tiếp cận thị trường nông sản Ấn Độ trước một New Dehli muốn bảo vệ 300 triệu dân trong khu vực nông nghiệp có sức cạnh tranh rất thấp...
Do đó, với cuộc gặp mặt lần thứ 5, BRICS cho thấy một định hình mới trên cơ sở quyết tâm xóa bỏ những bất đồng để gặt hái nhiều thành công hơn nữa bằng sự đồng thuận trong một không gian kinh tế chưa từng có trên bản đồ thương mại thế giới. Không phải vô cớ khi ngay trước thềm hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lời kêu gọi cải tổ BRICS. Quan điểm của Moscow là nên chuyển từ diễn đàn đối thoại thành cơ chế phối hợp hành động chiến lược để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề then chốt của thế giới. Sự quyết đoán, tạm gác những lợi ích riêng của từng quốc gia thành viên để hướng đến mục tiêu chung tại cuộc tập hợp ở Nam Phi đã tạo cho BRICS một diện mạo mới. Sự đoàn kết trong nội khối đang gia tăng đã mang đến cho BRICS sự thống nhất chưa từng có để giải quyết các cuộc xung đột quốc tế bằng con đường chính trị-ngoại giao. Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh này, BRICS sẽ ra tuyên bố chung về những vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng như cuộc khủng hoảng tại Syria, các vấn đề Iran, Iraq, Trung Đông...
Rõ ràng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, BRICS đã vươn lên khẳng định vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị trên bàn cờ quốc tế. Thuận lợi có thể thấy rõ, hiện nay, BRICS đang sở hữu số dân và dự trữ ngoại tệ của gần một nửa thế giới. Nhóm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi hiện được đánh giá là nhân tố quan trọng tái định hình bức tranh kinh tế toàn cầu. Chỉ riêng trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của BRICS đạt mức 4%; trong khi đó, Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) chỉ dừng ở con số khiêm tốn 0,7%. Giới chuyên gia dự báo, các thành viên BRICS tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vững trong 15 năm tới. Dự báo này là tiền đề quan trọng cùng sự thống nhất, đoàn kết nội khối đang mang đến kỳ vọng BRICS sẽ là nhân tố tích cực giúp cải thiện sự ảm đạm của bức tranh kinh tế thế giới hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.