(HNM) - Để thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu...
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc triển khai các nhiệm vụ trên bước đầu đạt được kết quả khả quan. Cả nước đã có 56 tỉnh, thành phố và 6 bộ, ngành vào cuộc cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngành Thư viện đã chuyển mình mạnh mẽ trong công tác phục vụ tại chỗ, phục vụ lưu động và phục vụ qua không gian mạng. Nếu như nhiều năm trước, mạng lưới thư viện công cộng có dấu hiệu sụt giảm thì năm 2018, tổng số thư viện, phòng đọc sách, tủ sách cơ sở là 21.084, tăng 15% so với năm 2017. Số lượng bạn đọc đến các thư viện công cộng năm 2018 là 36 triệu lượt, tăng 17% so với năm 2017; lượng sách, báo phục vụ bạn đọc đạt 58,3 triệu lượt.
Bên cạnh việc đẩy mạnh luân chuyển sách báo đến các địa phương, nhiều thư viện đã chú trọng ứng dụng công nghệ phát triển các loại hình dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
Xác định việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng không chỉ phụ thuộc vào ngành Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội hỗ trợ. Năm 2018, Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup tiếp tục tài trợ xe ô tô thư viện lưu động cho 8 tỉnh, thành phố, đem lại nhiều cơ hội đọc sách cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật. Thời gian qua, Quỹ Bill và Melinda Gates đã tài trợ 7.730 máy tính cho 903 thư viện, dự án Sách Quỹ châu Á tăng cường hơn 180.000 bản sách tiếng Anh cho 124 thư viện, chương trình hỗ trợ sách và tài liệu cho người khiếm thị của Quỹ Force đã hỗ trợ thiết bị và sản xuất gần 50.000 bản tài liệu cho các thư viện trên cả nước…
Là người có nhiều sáng kiến trong việc phát triển tri thức trong cộng đồng thông qua việc đọc sách, ông Trần Văn Thanh, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai chia sẻ niềm vui khi Đề án được phê duyệt. Từ đây, những mô hình thư viện thân thiện do ông thiết lập và tổ chức sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn tại các trường học và cộng đồng. Có thể kể đến như mô hình thư viện đa năng với góc nghe, góc đọc, góc vẽ… dành cho cả người biết chữ và chưa biết chữ; thư viện di động, thư viện xanh…
Tương tự như vậy, nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực góp phần phát triển văn hóa đọc qua việc thành lập thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ… Thư viện Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) là một trong những thư viện tư nhân hoạt động tích cực, trở thành điểm đến bổ ích cho các em nhỏ địa phương. Phùng Bá Hưng, người sáng lập và trực tiếp điều hành Thư viện Dương Liễu chia sẻ: “Thư viện được thành lập không có nguồn tài trợ, duy trì bằng việc chụp ảnh, làm lịch Tết để gây quỹ hoạt động cả năm. Hiện thư viện có 40 tình nguyện viên, phần lớn là sinh viên, mỗi người chỉ trực 1 buổi/tháng nên không bị áp lực về thời gian, ai cũng phục vụ chu đáo, tận tình”. Với số lượng 3.600 sách, 600 báo, tạp chí, Thư viện Dương Liễu đã cung cấp 1.600 thẻ bạn đọc và thường xuyên có gần 100 lượt bạn đọc mỗi buổi. Cùng với sự ủng hộ của địa phương và sự khuyến khích của Vụ Thư viện, các thành viên đang triển khai thành lập thêm nhiều thư viện như vậy tại các xã lân cận.
Với những chuyển biến tích cực từ hệ thống thư viện cùng sự chung tay, phát huy sáng kiến của nhiều tổ chức, cá nhân, việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng sẽ có những bước tiến trong các năm tới theo mục tiêu của Đề án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.