Nông nghiệp

Nhân rộng mô hình triển vọng

Ánh Dương 25/10/2023 - 07:25

Những năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội luôn nỗ lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác. Nhờ đó, có nhiều mô hình mới, triển vọng xuất hiện, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân.

ga-vi-sinh.jpg
Chăm sóc đàn gà tại Hợp tác xã Gà vi sinh Thu Thoan (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn).

Thời gian qua, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) đã không ngừng nghiên cứu, phát triển, mở rộng mô hình sản xuất, khẳng định thương hiệu “Rau an toàn Vinasafl”. Cách làm của hợp tác xã được xem là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp mới, được triển khai đạt hiệu quả.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà cho biết, hợp tác xã hiện có 30 sản phẩm rau đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao, được trồng trên diện tích 1,15ha, theo quy trình VietGAP. Sản phẩm của hợp tác xã được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch đặt hàng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hợp tác xã đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/ha/năm; tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập 6-9 triệu đồng/người/tháng.

Còn tại huyện Sóc Sơn, trang trại nuôi gà của gia đình chị Nguyễn Thu Thoan (Hợp tác xã Gà vi sinh Thu Thoan, xã Minh Phú) đã thực hiện mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn. Thực hiện quy trình khép kín, trong đó, chất thải và phế phẩm của quá trình chăn nuôi là đầu vào của quá trình khác, giúp sử dụng tài nguyên tiết kiệm, giảm ô nhiễm môi trường, đem lại hiệu quả cao.

Chị Nguyễn Thu Thoan chia sẻ, năm 2017, với số vốn ban đầu 60 triệu đồng, chị bắt tay vào chăn nuôi gà bằng thức ăn vi sinh. Đến nay, trang trại đã phát triển với quy mô hàng nghìn con, chất lượng gà thương phẩm được người tiêu dùng tín nhiệm. Năm 2021, sản phẩm gà vi sinh hợp tác xã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài ra, hợp tác xã cũng được cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.

Hiện, trang trại chăn nuôi gà của chị Thoan thường xuyên duy trì khoảng 3.000 con/lứa, khi đạt trọng lượng 1,1-1,7kg/con sẽ xuất bán ra thị trường. Đối với sản phẩm gà chế biến, thịt gà được làm sạch, đóng túi, hút chân không, trên bao bì có đầy đủ thông tin mã QR, mã vạch…, bảo đảm cung cấp thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Từ thành công với mô hình nuôi gà vi sinh, hiện chị Thoan tiếp tục nâng cao kiến thức và mở rộng quy mô bằng việc nuôi và sản xuất lợn vi sinh, nhằm đa dạng mặt hàng thực phẩm sạch.

Trong khi đó, tại xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), anh Lê Đức Cảnh - chủ trang trại hữu cơ ME FARM, là người đầu tiên triển khai mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa tại Hà Nội, với hệ thống tuần hoàn trên diện tích 300m2. Cùng với phát triển dịch vụ nông nghiệp trải nghiệm, gia đình anh phục vụ khách câu cua giải trí. Sự kết hợp giữa quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn với sản phẩm du lịch trải nghiệm đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Huỳnh Trọng Lực, là nhân viên kỹ thuật đảm nhiệm chăm sóc cua tại trang trại cho hay, cua được nuôi trong môi trường nước biển lấy từ tỉnh Quảng Ninh. Bể nuôi lắp đặt hệ thống lọc nước tuần hoàn, không ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài, giữ được vi lượng và các khoáng chất trong nước để cua sống, phát triển.

Một mô hình mới đáng kể nữa là nuôi trai lấy ngọc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu tại thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây). Ông Nguyễn Kiêm Khánh ở thôn Lòng Hồ đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi 10.000-12.000 con trai lấy ngọc trên diện tích mặt nước hơn 1.000m2. Ông Khánh thông tin, nuôi trai lấy ngọc chủ yếu sử dụng phần đáy ao, nên có thể kết hợp nuôi cùng các loại thủy sản khác để tận dụng tối đa các tầng nước. Hơn nữa, nuôi trai lấy ngọc còn làm cho môi trường nước trong lành, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang khuyến khích xây dựng và mở rộng các diện tích sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ, tuần hoàn đạt tiêu chuẩn. Đây là hướng đi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thay đổi mạnh mẽ tư duy cũng như kỹ thuật canh tác của người dân địa phương; đồng thời, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Vì vậy, những mô hình hiệu quả như trên rất cần được nghiên cứu, nhân rộng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng mô hình triển vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.