Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng, chống nắng nóng cho cây trồng, vật nuôi

Ngọc Quỳnh| 01/06/2023 07:41

(HNM) - Hà Nội đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao phổ biến 36-38 độ C, nhiệt độ trung bình ban ngày ngoài trời có nơi lên đến hơn 40 độ C. Nhiệt độ cao như vậy không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, người dân đã và đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng, nóng cho cây trồng, vật nuôi để giảm thiệt hại về kinh tế cũng như hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Người dân xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) đầu tư nhà lưới bảo vệ rau màu, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Ánh Ngọc

Linh hoạt trong sản xuất

Những ngày này, mới 6h sáng mà trời đã nắng chói chang. Chính vì vậy, trên những cánh đồng lúa đang vào vụ thu hoạch, người dân huyện Thanh Oai đã linh hoạt thời gian thu hoạch lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đưa máy gặt đập liên hợp vào sản xuất, giảm tối đa sức lao động.

Đang vận chuyển lúa về nhà, bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai) chia sẻ, đợt nắng nóng này đúng vào khung thời vụ thu hoạch lúa xuân 2023 chính vụ, nên gia đình đã tranh thủ thời tiết mát vào sáng sớm và chiều muộn để xuống đồng, bảo đảm theo đúng kế hoạch và chuẩn bị làm đất vào vụ mùa.

Nông dân tại nhiều vùng trồng rau trên địa bàn Hà Nội đang rất lo lắng khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây rau. Ông Đỗ Văn Tiến ở xã Tiền Yên (huyện Hòa Đức) chia sẻ, trời nắng nóng như thế này, nếu rau không được tưới đủ nước, dễ bị cháy lá, giảm năng suất từ 20% đến 30% so với thời tiết bình thường. Do đó, những ngày gần đây, các hộ dân trên địa bàn xã đều phải dậy sớm đi vào đồng, tưới đủ nước cho rau và đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới để giảm bớt sự ảnh hưởng bởi nắng nóng, mưa bão đối với rau màu.

Trong những ngày nắng nóng, người chăn nuôi cũng phải tốn thêm không ít chi phí. Ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho biết, mặc dù chuồng trại đã được đầu tư hệ thống chống nóng, làm mát nhưng khi thời tiết nắng nóng, năng suất đẻ trứng của đàn gà giảm khoảng 5%. Không những thế, tiền điện cũng tăng khoảng 20% do hệ thống quạt làm mát, phun sương chạy tối đa công suất.

Sản xuất nông nghiệp đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn, ngoài việc giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông dân còn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, ảnh hưởng đến năng suất do nhiều loại sâu bệnh gây ra trên cây trồng và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Theo dõi sát diễn biến thời tiết

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở khu vực miền Bắc trong những ngày tới. Đặc biệt, sau khi thu hoạch lúa xuân, nông dân sẽ chuyển sang làm đất, gieo mạ và cấy vụ mùa 2023. Để hạn chế sự ảnh hưởng của nắng nóng, nông dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, có biện pháp thích hợp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, bảo đảm đủ nước tưới, cung cấp chất dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu của từng loại cây trồng.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lưu Thị Hằng cho biết, vụ mùa năm nay, nông dân làm đất sẽ vất vả hơn, trời thì nắng nóng, thời gian ngắn, nên chân rạ chưa kịp mềm, khó làm. Để bảo đảm gieo cấy trong khung thời vụ, các địa phương khuyến cáo nông dân bố trí thời gian làm đất phù hợp. Mặt khác, người dân cần giữ đủ nước, không để ruộng khô hạn và thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để có biện pháp gieo trồng cho phù hợp...

Đối với diện tích trồng rau, người dân nên lắp đặt hệ thống nhà lưới, nhà kính, giàn phun nước tưới tự động để duy trì nhiệt độ và điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, tránh mưa, nắng cho cây trồng; sử dụng rơm rạ, cỏ khô để phủ lên gốc cây, giữ ẩm cho đất, hạn chế bốc hơi nước và không nên trồng cây vào những ngày nắng nóng.

Còn với cây ăn quả, ông Phùng Văn Hà, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho biết, để cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao trong điều kiện nắng nóng, phải thường xuyên thăm đất, nếu đất thiếu độ ẩm thì tăng số lần tưới. Ngoài ra, nông dân cần bảo vệ quả bằng cách che màng lưới, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào, sử dụng vỏ bao bọc bên ngoài để hạn chế tình trạng rám trái, ảnh hưởng đến hình thức, mẫu mã, chất lượng của quả.

Còn Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn chỉ dẫn, người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chống nóng, như: Phun nước lên mái chuồng, tăng cường quạt gió, giảm mật độ nuôi và cho đàn gia súc, gia cầm ăn nhiều bữa, tốt nhất là thời điểm sáng sớm, khi thời tiết còn mát mẻ. “Những ngày nắng nóng, người dân cần chủ động phòng bệnh đường ruột cho gia súc, gia cầm bằng cách pha thuốc: Anticoc, kamycine, bactrim, ESB3… vào thức ăn, nước uống…”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Để bảo vệ cây trồng, vật nuôi mùa nắng nóng, các ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân theo dõi thường xuyên diễn biến thời tiết, qua đó có biện pháp phòng, chống phù hợp cho từng đối tượng, nhằm hạn chế dịch bệnh, bảo đảm cho cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống nắng nóng cho cây trồng, vật nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.