(HNM) - Được triển khai từ năm 2008, đến nay cuộc vận động
Sát cánh cùng người nghèo
Trước 2008, các cấp hội chữ thập đỏ có nhiều phong trào, cuộc vận động giúp đỡ người nghèo nhưng phần lớn ở quy mô nhỏ lẻ, theo mùa vụ. Trên phạm vi toàn quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chưa có một phong trào hay cuộc vận động xuyên suốt, sát cánh cùng người nghèo. Trước thực tế này, Hội đã phát động cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" với mục tiêu trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn theo hướng phát triển bền vững; nâng cao năng lực vận động của tổ chức hội, từ việc vận động cán bộ, hội viên đến các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động nhân đạo.
Trao nhà Chữ thập đỏ cho người nghèo tại tỉnh Hà Nam. |
Để cuộc vận động thực sự có hiệu quả và đi vào chiều sâu, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có văn bản cụ thể hướng dẫn các tỉnh, thành phố cách thức chỉ đạo điểm cuộc vận động… Hội cũng ban hành biểu mẫu hướng dẫn xây dựng hồ sơ "địa chỉ nhân đạo", các bước khảo sát, sổ theo dõi sự trợ giúp "địa chỉ nhân đạo"… Nhiều tỉnh, thành hội chữ thập đỏ chủ động vận động, ký kết chương trình phối hợp hoạt động nhân đạo với các đoàn thể chính trị, xã hội, cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương; chủ động giới thiệu các "địa chỉ nhân đạo" tới các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm để vận động sự trợ giúp trực tiếp, cụ thể theo đúng tiêu chí của cuộc vận động. Một số nơi triển khai thí điểm cuộc vận động ở một vài huyện hoặc chi hội trực thuộc để rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng ra các địa bàn khác như: Bình Phước chọn huyện Bình Long; Kon Tum chọn huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Đắc Hà; Đồng Tháp chọn huyện Tân Hồng và Lấp Vò; Tây Ninh chọn huyện Hòa Thành, Tân Châu...
Sau 5 năm (2008-2013) tổ chức thực hiện, cuộc vận động đã được triển khai ngày càng sâu rộng, lôi cuốn đông đảo cán bộ, hội viên, nhà hảo tâm và nhân dân tham gia, góp phần trợ giúp kịp thời, thiết thực hàng trăm nghìn người có hoàn cảnh khó khăn theo hướng phát triển bền vững.
Niềm vui của những số phận bất hạnh
Trong căn nhà kiên cố khang trang, sạch đẹp rộng khoảng 42m2 mới được xây dựng, ông Đinh Văn Nghiệp, ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương không giấu được niềm vui: "Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp hội chữ thập đỏ, gia đình tôi mới xây dựng được ngôi nhà này". Vợ mất sớm, một mình ông chèo chống trong căn nhà dột nát nuôi đứa con gái tật nguyền và người con trai bị bệnh thần kinh. Dựa vào số tiền trợ cấp hằng tháng, ba bố con ông sinh hoạt tằn tiện, dè sẻn lắm mới đủ ăn. Khi cuộc vận động được triển khai, gia đình ông được xếp vào danh sách "địa chỉ nhân đạo" và được hỗ trợ xây dựng nhà. Ngày ngôi nhà được khánh thành, ông còn được nhận một cuốn sổ tiết kiệm trị giá gần 20 triệu đồng cùng nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình như: Nồi cơm điện, quạt điện, bếp ga, chăn, gối, đệm...
Hỗ trợ tiền mặt giúp đỡ người dân Đà Nẵng phát triển kinh tế. |
Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tính đến hết năm 2013 có 26.257 cơ sở hội chữ thập đỏ đã hoàn thành việc khảo sát, lập hồ sơ đối tượng "địa chỉ nhân đạo" (đạt tỷ lệ 91,1%). Trên cơ sở hồ sơ đã có, các cấp hội vận động cán bộ, hội viên đăng ký trợ giúp các "địa chỉ nhân đạo" và tham mưu cho cấp ủy Đảng vận động các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội, các nhà hảo tâm trợ giúp các đối tượng cụ thể. Các hình thức trợ giúp thường sát với nhu cầu của đối tượng, tập trung vào trợ cấp thường xuyên, khám chữa bệnh, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, xây sửa nhà, cấp học bổng hoặc những hình thức hỗ trợ khác theo hướng phát triển bền vững... Hiện trong tổng số 962.218 đối tượng được lập hồ sơ "địa chỉ nhân đạo" có 600.389 người đã được trợ giúp, giúp đỡ.
Các hoạt động sôi nổi, đầy nghĩa tình của cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" đã sát cánh với người nghèo, góp phần thiết thực giúp những gia đình khó khăn vươn lên. Truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát huy, lan rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.