(HNM) - Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, để nhận biết và phòng chống dịch tả lợn châu Phi, căn cứ vào các dấu hiệu sau:
- Lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh dịch tả lợn cổ điển. Do đó, việc chẩn đoán bệnh dịch tả lợn châu Phi khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng; cần lấy mẫu gửi về phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút dịch tả lợn châu Phi.
- Bệnh xảy ra ở 3 thể khác nhau: Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 19 ngày, trong đó, thể cấp tính, lợn có thể chết sau 3 đến 4 ngày tiếp xúc vi rút; thể quá cấp tính, lợn đột ngột sốt cao rất cao 41-42°C, kéo dài 2-3 ngày, tối đa 4 ngày, rồi chết; thể mạn tính có các triệu chứng giống thể cấp tính nhưng mức độ biểu hiện yếu hơn, bao gồm: Sụt cân, sốt dai dẳng, có dấu hiệu bệnh hô hấp, viêm loét da, viêm khớp mãn tính...
Để phòng ngừa hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, cần thực hiện tốt quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi, trong đó chú trọng các biện pháp sau:
- Trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra - vào trại. Trại chăn nuôi phải bố trí riêng biệt các khu: Khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu tắm rửa, khử trùng, thay trang phục cho công nhân... Tại cổng ra - vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và lối ra - vào mỗi dãy chuồng nuôi, phải bố trí hố khử trùng.
- Tất cả phương tiện vận chuyển khi vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Trước khi vào khu chăn nuôi, mọi người phải thay quần áo, giày dép và mặc quần áo bảo hộ của trại.
- Người chăn nuôi, trang trại chăn nuôi phải tuân thủ nghiêm quy trình về tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.