(HNMO) - Hiện nay, doanh nghiệp vận tải hành khách (DNVTHK) cứ dừng-đỗ để đón trả khách là bị xử phạt, trong khi cả thành phố không có lấy một bãi đón trả khách để DNVT hoạt động, thế chỉ có nước ngưng hoạt động…
Đó là nội dung mà DNVTHK phản ánh trực tiếp với lãnh đạo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh ngày 26-2 tại buổi đối thoại giữa Sở GTVT với các DNVTHK nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ sau khi Sở GTVT thành phố cắm biển cấm dừng đỗ tại một số tuyến đường trung tâm thành phố.
Cơ quan chức năng xử phạt xe ô tô dừng đỗ trái phép tại đường Phạm Ngũ Lão (quận 1). |
Doanh nghiệp: Đi kiểu gì cũng vi phạm
Giải bày khó khăn trong việc chạy xe đón trả khách tại các tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay, ông Lê Văn Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Vận Tải và DVDL Hoa Mai (chạy tuyến TP Vũng Tàu – TP Hồ Chí Minh và ngược lại) chia sẻ, mỗi ngày Hoa Mai chạy 65 chuyến lên Bến xe Miền Tây (BXMT). Thế nhưng, hiện nay sau khi cấm đỗ, cấm dừng tại 2 tuyến đường trung tâm thành phố là Nguyễn Thái Bình và Lê Thị Hồng Gấm thì gần như không có điểm dừng đỗ và đón trả khách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Trong khi, nếu đón trả khách tận BXMT thì thời gian tới chẳng có khách nào đi vì quá bất tiện. “Thực sự, chúng tôi có vi phạm về dừng đón trả khách không đúng nơi quy định trên tuyến đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ, nhưng với việc xe cứ dừng-đón trả khách sẽ bị phạt thì DNVT hoạt động quá khó khăn”, ông Huệ nói về thực tế hiện nay.
Từ đó, ông Huệ kiến nghị, để tạo thuận lợi cho hành khách đi lại cũng như DNVT hoạt động, thời gian tới rất mong cơ quan chức năng xem xét và giải quyết tạo điều kiện cấp giấy phép cho Công ty Hoa Mai được lập trạm dừng đỗ khách tại hai địa điểm số 110 và 233 Võ Văn Kiệt (quận 1), vì BXMT quá cách xa với trung tâm thành phố với khoảng 10km. “Công ty đảm bảo cam kết đảm bảo an ninh trật tự và ATGT tại địa phương. Trong thời gian chờ đợi, rất mong cơ quan chức năng cho chúng tôi vào bến xe buýt để đón trả khách được thuận tiện hơn”, ông Huệ tha thiết yêu cầu.
Ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng cho hay, hiện công ty có 40 xe chạy tuyến Bến xe Miền Đông và 40 chạy tuyến Bến xe Miền Tây. Tuy nhiên, thực tế việc bán vé trong bến cũng không nhiều do sự bất tiện khi đi lại cho hành khách. Ngoài chi phí đi lại, xăng dầu, các loại phí… hàng ngày rất lớn thì với việc cứ dừng đỗ đón trả khách lại bị xử phạt thì DNVT “chịu chết”. Thế nên, rất mong Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và cơ quan chức năng liên quan cho phép chúng tôi lập trạm bán vé bổ sung tại khu vực trung tâm thành phố để giải quyết được những bức bách trên.
Cũng theo ông Khanh, tại BXMT có 40 xe chạy, nhưng ngày cao điểm chỉ bán được 60 vé còn ngày thấp điểm tệ hơn khi chỉ bán được 30 vé, nếu quy ra thì mỗi xe chưa bán được 2 vé xuất bến, trong khi chi phí đủ thứ thì làm sao duy trì hoạt động được. Chưa kể, lượng khách đa số lại tập trung tại trung tâm thành phố nếu bắt họ đến bến hoặc chạy lòng vòng rước khách thì rất bất tiện cho chính hành khách, còn DNVT lại bị cơ quan chức năng “dí”…
“8 đến 10 hành khách nếu đi ra vào kiểu này thì mỗi khách mất 40 phút/ngày. Vậy một ngày ngày dân sẽ mất bao nhiêu thời gian, từng đó người dân sẽ làm được bao nhiêu việc? Do đó, yêu cầu cơ quan chức năng sắp xếp cho chúng tôi địa điểm trung chuyển tại đường Mai Chí Thọ và Võ Văn Kiệt, hoặc một trạm nào đó ở ngoại thành để chúng tôi trung chuyển khách. Chúng tôi cần ngay ngày hôm nay chứ không thể đợi đến ngày mai khi mà nhu cầu bức thiết của người dân và DNVT diễn ra từng ngày”, ông Khanh thẳng thắn nêu lên quan điểm.
Cũng theo hãng xe này thì DN mở ra giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đóng thuế phí, phúc lợi xã hội… góp lợi ích cho xã hội và nhà nước, vì thế nhà nước cũng phải có trách nhiệm với DN, khách hàng và người dân. Nếu nhà nước chưa có trạm, kinh phí hay quỹ đất thì nên tạo điều kiện cho DN tự làm. Nếu giải quyết được điều này thì không một DN nào tự động dừng đỗ trái phép hay làm sai pháp luật.
Đai diện hãng xe Mai Linh cho hay, thực tế với khoảng 500 đến 600 DNVT chạy vào thành phố hiện nay thì rối là đúng. Thế nên, chính quyền thành phố cần mở ngay nhiều trạm bán vé và đón trả khách ở các khu vực lân cận để giải quyết quyền lợi của DNVT lẫn người dân. Mặt khác, cần đưa xe buýt vào hoạt động làm xe trung chuyển thay các xe trung chuyển hiện nay của DNVT, vừa giảm chi phí cho DN vừa khuyến khích loại hình VTHKCC phát triển.
Tương tự, ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận Tải và DVDL Hoa Mai cho hay, trước mắt, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cần cho phép DNVT vận chuyển khách bằng xe trung chuyển từ trung tâm thành phố ra đón trả khách tại đường Mai Chí Thọ (quận 2) chứ không thì DN cũng không còn điểm nào để đón trả khách nữa, đồng nghĩa hoạt động gần như sẽ phải ngưng trệ.
Ông Nguyễn Hồ Hữu Tùng, Đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi cho biết, doanh nghiệp kinh doanh 3 loại hình vận tải xe khách là hợp đồng, cố định và du lịch. Nhu cầu người dân sử dụng các loại xe này cũng rất lớn nhưng tại TP Hồ Chí Minh chưa có dịch vụ hỗ trợ. “Thiết nghĩ, chúng ta nên có nhiều nơi hỗ trợ các loại hình kinh doanh này, vì khi phải đỗ ngoài đường sẽ gây kẹt xe và mất mỹ quan đô thị”, ông Tùng nêu rõ.
Chính quyền: Chúng tôi thấu hiểu...
Chia sẻ với những khó khăn với các DNVTHK, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho hay, Sở GTVT cấm trên đường Nguyễn Thái Bình thì các DN chuyển dùng xe 7 chỗ chở khách sang đường Mai Chí Thọ để lên xe. “Nếu chúng tôi lập lại trật tự trên đường Mai Chí Thọ thì không biết các anh lại đi đâu nữa? Để khách thay đổi thói quen thì cần có thời gian, chúng tôi sẽ ghi nhận”, ông Minh nói.
Theo ông Lê Hoàng Minh, thời gian tới Sở GTVT TP sẽ công bố các điểm được đón trả khách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đề xuất của nhà xe Hoa Mai và Toàn Thắng xin mở trạm dừng trên đường Võ Văn Kiệt là hợp lý, nhưng vấn đề là hợp phải tìm vị trí phù hợp, nếu không khéo thì sẽ hình thành bến “cóc”.
Ông Lê Hoàng Minh cho biết, với mục tiêu nghe, hiểu, cố gắng tiếp thu trên cơ sở pháp luật, qua buổi họp này, những gì các DN đề nghị phù hợp với quy định pháp luật thì Sở GTVT sẽ tiếp thu và tổ chức thực hiện ngay. Theo ông Minh, trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục yêu cầu Thanh tra Sở phối hợp với PC67 tiếp tục triển khai kiểm tra, kiểm soát và xử phạt các hành vi vi phạm các quy định về trật tự, ATGT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Đàm Phan Phát, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1 (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh), trong hai tháng gần đây, số vụ vi phạm về hoạt động VTHK rất cao. Tuy các DNVT có đăng ký kinh doanh, có địa điểm hoạt động nhưng thực tế các địa điểm này vẫn còn thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng để phục vụ đón trả khách, tài xế vẫn vi phạm nhiều.
Theo thống kê của Thanh tra giao thông TP Hồ Chí Minh, tính từ năm 2015 đến nay, lực lượng TTGT phối hợp với CSGT đã xử lý 2.149 vụ trong hoạt động VTHK, với số tiền xử phạt hơn 4,4 tỷ đồng. Riêng 2 tháng cao điểm từ ngày 23-11-2015 đến 17-2-2016, cơ quan liên ngành đã xử phạt 1.297 vụ, với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Cụ thể, 453 vụ vi phạm về dừng đỗ không đúng quy định; 10 vụ vi phạm về tự ý lắp thâm hoặc tháo bớt ghế giường nằm trên xe vận chuyển khách; 183 vụ vi phạm về xe khách tuyến cố định không chạy đúng tuyến đường, hành trình; 11 vụ vi phạm về lệnh vận chuyển; 97 vụ vi phạm về đón trả khách không đúng nơi quy định; 26 vụ vi phạm về đón trả khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ, tầm nhìn bị che khuất; 28 vụ vi phạm về xe chở khách không có phù hiệu hoặc đã hết hạn… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.