Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn “không ăn nhập” với Hà Nội

Hoàng Giang Sơn| 07/02/2010 08:36

(HNM) - Nhà văn Lê Bầu quê Khoái Châu, Hưng Yên nhưng hơn nửa cuộc đời ông gắn bó với Hà Nội. Hầu hết các tác phẩm của ông đều in dấu đất và người Hà Nội, trong đó có tập ký viết riêng cho Hà Nội, như:


Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần qua địa chỉ 105 Phùng Hưng nơi ông tá túc. Gọi là tá túc cũng chẳng sai, vì ông bảo là ở tạm. Ngoài nhà còn đề biển trụ sở báo Tin tức thời kỳ tiền khởi nghĩa, một di tích lịch sử đã được xếp hạng. Nhà bề ngang chỉ khoảng 3m mà phải ngăn đôi bằng vách với một nhà khác. Nhà chỉ độ 10m2 mà chật cứng những sách là sách, lại còn bàn con kê chiếc máy đánh chữ cạnh cửa sổ hướng ra đường Phùng Hưng mà hằng ngày ông ngồi gõ cọc cạch. Nhiều tác phẩm gắn với tên tuổi ông ra đời từ đó...

Đi đâu tiện đường tôi lại ghé vào trò chuyện với ông cho vui. Có lần, vào đến nơi thì thấy ông với nhà văn Hòa Vang đang ngồi quanh bát ngẩu pín và chén rượu trắng. Thấy tôi vào, Lê Bầu đi lấy thêm cái bát và đôi đũa. Món ngẩu pín ngon thật, chén rượu đưa môi, cuộc trò chuyện thêm rôm rả. Thì ra, các bác gặp nhau thường xuyên ở đây. Lê Bầu có chiếc xe đạp cà tàng nhưng là để đi lấy nhuận bút và đạp xe về với vợ con ở Bắc Giang chứ bạn bè thường qua chơi với ông. Có lẽ vì ông ở một mình, lại tiện đường sá nên nhà chả lúc nào ngớt khách. Lần khác tôi gặp nhà văn Trần Thị Trường ở nhà ông. Bà tặng ông cuốn sách mới viết. Thấy khách đến, chắc biết nhà chật nên bà về nhường khách. Mà quả là nhà ông mà tiếp hai người khách trở lên thì quá tải. Có hôm gặp cả nhà văn Hòa Vang và nhà văn Bùi Ngọc Tấn từ Hải Phòng lên. Thế là chủ nhà phải đứng dậy dọn đồ đạc để lấy chỗ ngồi...

Tôi nhớ ông kể về những chuyến đi Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Ông chỉ qua mấy hiệu sách rồi tha về mấy cuốn để dịch chứ chẳng mua bán hay thăm thú gì. Ông dịch sách với tốc độ kinh khủng. Hồi Tể tướng Lưu Gù lên sóng, phim vừa dứt thì sách dịch của ông đã bày bán ngoài hiệu. Nhưng ông là một trong những người dịch cẩn thận và có trách nhiệm mà tôi biết. Cứ xem cách ông làm chú thích sách là thấy ông đã đổ tâm sức cho trang sách đến mức nào. Có khi một cái chú thích dài đến cả vài trang. Sách Trung Quốc có nhiều điển tích, nếu không làm chú thích đến nơi đến chốn thì người đọc chả hiểu gì cả. Ông giải thích như thế. Chẳng NXB nào yêu cầu ông phải giải thích kỹ càng đến thế nhưng những cuốn sách dịch từ tiếng Trung của ông thường dày đặc những chú thích. Nhiều năm học ở Trung Quốc, lại dịch nhiều tác phẩm văn học bằng tiếng Trung nên vốn hiểu biết của ông về xã hội Trung Quốc thật phong phú. Ông còn hiểu về phong tục tập quán của người Trung Quốc ở những địa phương khác nhau.

Tôi còn nhớ ông làm chú thích về chiếc giường bắt nguồn từ những hiểu biết về phong tục tập quán lạ ở Trung Quốc mà ở nước ta không có. Đại khái, trong bản gốc, tác giả viết: Cả vợ chồng bố, vợ chồng các con lớn, cùng các con nhỏ... đều ngủ chung trên chiếc giường ấy. Ông bảo, chuyện "ngủ chung" này, trước đây, là có thật trong những gia đình nông dân ở vùng giá lạnh của Trung Quốc. Dịch ra tiếng Việt là "giường" chỉ chuyển tải cái ý "nơi ngủ" cho gọn, cho dễ hiểu mà thôi. Thực ra phải dịch là "giường bục", "giường bệ" hay "giường sàn". Vì thế, ông chú thích đó chỉ là một cái bục, hoặc một cái bệ được đắp bằng đất, hoặc xây bằng gạch, nhiều khi chạy hết chiều dọc, hoặc chiều ngang trong nhà, ở giữa để rỗng, bắt cho khói cùng nhiệt dư của nhà bếp chạy qua đó trước khi tỏa ra bên ngoài để làm cho nó nóng lên, ngủ cho ấm... Không biết trong cuộc đời văn với hàng chục tác phẩm dịch thuật, ông đã kỳ công làm biết bao nhiêu chú thích như thế... Ông nói với tôi về công việc của người dịch thuật văn chương. Ngoài việc cần phải thông thạo cả tiếng nước mình lẫn tiếng nước người, còn cần phải có một tư cách đứng đắn và lòng say mê nghề nghiệp. Chính lòng say mê nghề nghiệp đem lại cho người dịch tinh thần trách nhiệm và lối làm việc cẩn thận, chu đáo, rồi điều này nâng cao được sự "giỏi giang" cả hai thứ tiếng, làm phong phú thêm kiến thức...

Chính nhờ hiểu biết sâu rộng và kiến thức uyên bác về ngôn ngữ mà khi xem phim Trung Quốc, ông phát hiện ra không ít lỗi do người dịch chưa hiểu biết tường tận. Ông "bắt giò" được khá nhiều lỗi mà khán giả bình thường đã bỏ qua. Hồi đó tôi viết chuyên mục về truyền hình nên ông đem chia sẻ. Sau biết ông viết báo, tôi mới đề nghị ông viết một số bài cho mục "Nhặt sạn truyền hình", rồi thi thoảng ông dịch một vài bài viết từ báo Trung Quốc hay viết ý kiến trong mục Thư độc giả... nhờ tôi gửi báo. Mỗi lần có nhuận bút mang qua cho ông, ông lại bảo cậu chu đáo quá, để tớ đạp xe đi lấy kẻo phiền phức cậu...

Tôi vẫn nhớ Lê Bầu với mái tóc muối tiêu lù xù những sợi dài trước trán. Nhớ nụ cười với hàm răng đen bóng vì thuốc lá. Và nhớ dáng ông nghiêng nghiêng đi trên đường trên chiếc xe đạp cà tàng cùng chiếc túi xách cài giữa ghi đông. Ông dường như chẳng ăn nhập gì với phố phường Hà Nội, nhất là với phố Phùng Hưng lúc đó đang được mượn tạm để họp chợ lúc nào cũng người mua, kẻ bán với vải vóc đồ đạc tràn ngập cả lối đi vào nhà ông...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn “không ăn nhập” với Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.