Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn Hoà Bình và “Cuộc hẹn nơi cổng thiên đường”

T. Minh| 16/09/2017 18:57

(HNMO) - Hoà Bình vốn đã quen thuộc với bạn đọc trẻ qua các tác phẩm như: Cát hay là Ngọc, Cocktail, café, kem và Mặt Trời… Nhưng với “Cuộc hẹn nơi cổng thiên đường”, bạn đọc sẽ thấy một Hòa Bình vô cùng khác biệt.

Nhà văn Hoà Binh.


Tác giả Hoà Bình vốn đã quen thuộc với bạn đọc trẻ qua các tác phẩm như: Cát hay là Ngọc, Cocktail, café, kem và Mặt Trời, Nick Vujiic & Những ngày ở Việt Nam (sách ảnh, thực hiện chung với nhiếp ảnh gia Nguyễn Á), Gọi con người… Nhưng đến với tác phẩm “Cuộc hẹn nơi cổng thiên đường” lần này, bạn đọc sẽ thấy một Hòa Bình vô cũng khác biệt.

“Cuộc hẹn nơi cổng thiên đường” là một ẩn dụ và nỗi hoài nghi đối với tất cả mọi người. Câu hỏi mà tác giả nhận được nhiều nhất suốt thời gian qua là “Tại sao lại hẹn ở cổng thiên đường”? Tập truyện có nhiều yếu tố sinh tử, nhiều lằn ranh mà mỗi một cuộc đời chúng ta ai cũng có lần đối mặt. Và chắc chắn, có người sẽ bước hẳn qua bên kia cánh cổng, về phía thần tiên. Nhưng cũng không ít người quay trở lại để tiếp tục bước trên những trang sách cuộc đời.

Điều mà mỗi cá thể muốn mang theo trên chuyến hành trình, kể cả qua bên kia cánh cổng hay bước trở lại đời thực, tác giả dám chắc chắn không phải bạc tiền, địa vị hay danh vọng, mà là tình – yêu. 

Tập sách có 12 truyện ngắn, được sắp xếp theo mùa, bắt đầu từ mùa xuân với “Bộ mặt bên trong bộ mặt”, “Rơi vào xoáy nước” và “Cuộc hẹn nơi cổng thiên đường”, ghi lại dấu ấn đầy lãng mạn, trẻ trung của tuổi thanh xuân với trái tim yêu đương cuồng nhiệt mà chắc chắc ai cũng từng trải qua, từng hồi hộp, từng thăng hoa như thế trên đời. 

Bìa cuốn "Cuộc hẹn nơi cổng thiên đường"


Mùa hạ nóng bỏng, khắc khoải, đầy hoài nghi, ám ảnh với từng khoảnh khắc sống được lột tả với “Chuyện tình bên bờ vô cực”, “Người đi đâu” và “Đi về phía vô cùng”. Truyện ngắn “Đi về phía vô cùng”, như nhà văn đồng nghiệp Trần Nhã Thụy nhận xét, thì: “Nhân vật hiện lên thật cô đơn, nhưng cũng thật đẹp”, bởi “Bất hạnh và hạnh phúc đều nằm trong những bước sải chân. Đó là những bước chân Đi về phía vô cùng”.

“Đó là một truyện mà tôi rất thích của Hòa Bình. Tôi thích, không phải vì cũng là đàn ông và chia sẻ “căn bệnh thời đại” này. Tôi thích bởi cách chọn điểm rơi của nhà văn. Và, khi đọc hết tập bản thảo này, tôi thấy đây là tập truyện của những điểm rơi. Những tình tiết, sự kiện, nhân vật… dường như được giản lược đến hết cỡ, chỉ chọn và chờ những điểm rơi để bung ra, thả xuống”, Nhà văn Trần Nhã Thụy viết.

Mùa thu lãng mạn tới mức nghẹt thở hiện lên quyến rũ trong từng khoảnh khắc của “Đứt kết nối”, “Bệnh nhục” và “Bức tử hiện tại”. Khi cô gái trẻ bị ám ảnh bởi những nụ hôn thơm mùi nhựa thông cùng những nốt nhạc chảy ra từ cây vĩ cầm bí ẩn của thượng đế, khi chàng trai thanh xuân không thể chối từ giai điệu của con tim, như những nốt nhạc phải ở trong tổng phổ của một nhạc trưởng tài ba, kể cả khi người nghệ sĩ chơi nó đã đánh sai nhiều nốt, đã đi lạc lối, thậm chí đã vĩnh viễn chết trong những miền ký ức.

Mùa đông, mùa cuối cùng trong năm, đẹp một cách khắc nghiệt với cái giá lạnh không chỉ của mùa mà còn là những tê tái trong sâu thẳm cõi lòng cô gái trẻ “Một nơi nào đó trong trái tim”, sự xót xa với “Vòng ôm hoàn hảo của người mua nỗi buồn” và sự tuyệt vọng đến cùng tận không lối thoát nhưng nếu được bao bọc bởi yêu thương sẽ bung nở một đoá vô thường trong “Tuyết Liên Hoa”.

Đặc điểm chung của 12 câu chuyện trong "Cuộc hẹn nơi cổng thiên đường" có bắt đầu nhưng không có kết thúc. Vì vậy, khi gấp lại cuốn sách, trong lòng ta hiện lên vô vàn câu hỏi và đôi khi thấy được nỗi cô đơn của ta trong chính tình yêu đó.

Thông qua cuốn sách này, tác giả muốn bạn đọc hãy trân trọng tất cả cảm xúc, dù là tiêu cực hay tích cực, bởi chúng làm con người trở nên "người" hơn: “Trong một gương mặt có một gương mặt khác, dưới một sự thật có một sự thật khác. Cuộc sống là vô cùng”...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Hoà Bình và “Cuộc hẹn nơi cổng thiên đường”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.