(HNM) - Nếu như mọi năm, sau khi thi xong, thí sinh chỉ hồi hộp chờ kết quả trúng tuyển do các trường thông báo thì năm nay, do việc đăng ký xét tuyển diễn ra sau khi thi, nên thí sinh lại thấp thỏm lao vào cuộc đua xét tuyển...
9 điểm/môn để vào ngành Bác sĩ đa khoa
Khối trường y dược như mọi năm vẫn dẫn đầu về số thí sinh điểm cao. Chỉ trong hai đợt thống kê đầu tiên, ngành Bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội đã có tới gần 480 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1. Trong đó, thí sinh có điểm cao nhất đạt 32,25 (bao gồm điểm ưu tiên); có tới 425 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên. Trong khi đó, chỉ tiêu của ngành này, sau khi trừ đi số lượng tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, chỉ còn lại khoảng 450.
Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi rút hồ sơ. Ảnh: Viết Thành |
Như vậy, có thể thấy thí sinh phải đạt 27 điểm, tức trung bình 9 điểm/môn thì mới có cơ hội đỗ vào ngành này. Chưa kể, còn nhiều ngày nữa mới hết hạn nhận hồ sơ nên lượng hồ sơ điểm cao còn có thể tăng lên. Rất nhiều trong số thí sinh đã chọn nguyện vọng 1 là ngành Bác sĩ đa khoa, lại chọn nguyện vọng thứ 2 là ngành Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt nên ngành này cũng rất "nóng"- với 335 hồ sơ trong khi chỉ tiêu của ngành là 80. Các ngành còn lại của trường, tuy số hồ sơ chưa nhiều song hầu như đều có điểm rất cao. Nhiều thí sinh có mức điểm 24-26 dù rất muốn vào trường song vẫn e ngại mức điểm chuẩn cao của trường này nên muốn cân nhắc thêm. Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú, nếu thí sinh có nguyện vọng vào trường thì nên sớm nộp hồ sơ để nhanh chóng biết mình có khả năng trúng hay không, rồi sẽ đổi nguyện vọng sang ngành hay trường khác. Nếu đợi tới cuối đợt mới đăng ký thì sẽ cập rập về mặt thời gian, thậm chí không kịp để thay đổi nguyện vọng. Do được quyền có 4 nguyện vọng ở đợt xét tuyển này nên thí sinh không nên bỏ lỡ cơ hội mà hãy đăng ký thêm một số ngành nếu các em thực sự muốn học ngành đó. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Tú cũng lưu ý thí sinh không nên nộp hồ sơ theo phong trào, vừa mất thời gian vừa khiến nhà trường khó xét tuyển.
Trường ĐH Dược Hà Nội cũng cho biết dù chỉ có xấp xỉ 680 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường nhưng mức điểm của thí sinh rất cao. Nhà trường có chỉ tiêu 550 chính thức song số chỉ tiêu mà thí sinh đang cạnh tranh chỉ chưa đầy 450 do phải trừ số tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Theo tính toán của trường, mức điểm trúng tuyển tạm thời và cũng là mức tối thiếu, là 26 điểm. Vì vậy, các thí sinh có điểm dưới mức này cần sớm rút hồ sơ để đăng ký vào các trường khác.
Đó cũng là bối cảnh chung ở các trường y dược khác trên toàn quốc. Điểm trúng tuyển tạm thời của ngành Bác sĩ đa khoa trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh ít nhất là 27 điểm. Ngành Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt thậm chí còn có mức điểm chuẩn dự kiến cao hơn.
Rút hồ sơ trước hạn 1 ngày
Việc thí sinh có điểm cao nhận thấy nguy cơ bị rớt ở các trường nhóm trên nên ồ ạt rút hồ sơ nộp sang trường khác khiến danh sách xét tuyển của các trường nhóm dưới tiếp tục biến động mạnh, dẫn tới nhiều tình huống phức tạp mà thí sinh phải nhanh chóng cập nhật và xử lý. Thấp thỏm nhất là những thí sinh có mức điểm xấp xỉ mức trúng tuyển nên không thể yên tâm ở tốp trên hay yên phận rút hồ sơ chuyển sang trường khác. Nhiều em trong số này theo chiến lược... "thi gan", đợi tới cuối đợt xét tuyển mới quyết định rút hồ sơ hay ở lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách này cũng không có gì chắc chắn bởi đó là lúc lượng hồ sơ biến động mạnh, khó lường do thí sinh đồng loạt rút hoặc đồng loạt nộp. Hơn nữa, thời điểm đó thường quá tải, việc thực hiện rút hay nộp hồ sơ sẽ khó khăn, phức tạp hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tuyển sinh, trong đó có ông Lê Viết Thủy, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đưa ra mốc 19-8, tức là trước khi hết hạn một ngày, là thời gian thích hợp để thí sinh rút hồ sơ nộp sang trường khác.
Tư vấn cho thí sinh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, ông Trần Văn Nghĩa cho rằng nếu tính toán hợp lý thì cơ hội trúng tuyển ĐH của thí sinh rất lớn. Các em thường chỉ trượt nếu tính toán sai lầm hoặc chỉ cố vào trường mà mình yêu thích. Theo ông Trần Văn Nghĩa, trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của những năm trước đó, vì điểm năm sau thường không chênh lệch nhiều. Sau đó thí sinh nộp hồ sơ ở mức cao hơn điểm chuẩn càng nhiều càng an toàn. Các em cũng nên tận dụng đăng ký tối đa 4 ngành trong một trường để tăng khả năng trúng tuyển. Ngành thứ nhất có thể là ngành yêu thích nhất, ngành thứ hai thì gần sát với điểm chuẩn, ngành thứ ba sát với điểm chuẩn so với năm trước đó. Ngoài ra, thí sinh không nên vội vã rút hồ sơ mà cần cân nhắc kỹ. Còn những em chỉ đạt điểm gần mức sàn nên chọn ngành ĐH và CĐ trong cùng một trường để bảo đảm an toàn.
Hai cách rút hồ sơ xét tuyển 1. Thí sinh trực tiếp đến trường để rút hồ sơ, thí sinh phải mang theo chứng minh thư nhân dân. 2. Hoặc viết giấy ủy quyền (bằng văn bản) cho người thân đến trường rút hồ sơ (người được ủy quyền phải mang theo giấy tờ ủy quyền có xác nhận của ủy ban nhân dân hoặc công an địa phương kèm theo chứng minh nhân dân của mình). Thí sinh nộp hồ sơ tại trường thì đem biên lai đóng lệ phí và giấy biên nhận để rút hồ sơ. Thí sinh nộp qua đường bưu điện phải có giấy báo phát (hóa đơn chuyển hồ sơ xét tuyển do bưu điện cung cấp khi gửi hồ sơ) trường mới trả hồ sơ. Vì vậy, khi đi nộp hồ sơ trực tiếp tại trường, thí sinh cần giữ lại biên lai đóng lệ phí xét tuyển, những thí sinh gửi hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện phải giữ lại hóa đơn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.