Một số điểm mới liên quan đến quyền lợi của thí sinh dự kiến áp dụng từ kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 tiếp tục làm “nóng” nhiều diễn đàn với nhiều trăn trở những ngày vừa qua.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc giảm tỷ lệ 20% hoặc bỏ việc xét tuyển sớm để gộp vào xét tuyển chung một đợt. Đây là thông tin mới nhất được công bố đang thu thút sự quan tâm của thí sinh, phụ huynh thí sinh và giáo viên.
Thí sinh nhấp nhổm, lo lắng
Những ngày qua, những điểm mới dự kiến áp dụng từ kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 tiếp tục làm “nóng” nhiều diễn đàn. Vấn đề có hay không nên khống chế tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển sớm ở mức không vượt quá 20% của từng ngành, nhóm ngành đào tạo, thậm chí bỏ hẳn hình thức xét tuyển sớm đang thu hút nhiều ý kiến. Nội dung này được nêu tại dự thảo quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi.
Hằng năm, khoảng 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó, hơn 600.000 em đăng ký xét tuyển đại học. Con số này có xu hướng tăng. Năm 2022, hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận 616.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học; con số này năm 2023 là 660.0000 em; năm 2024 là 733.000 em.
Với thí sinh, hình thức xét tuyển sớm vào đại học đã quen thuộc, thu hút sự quan tâm bởi đem lại một số lợi thế như tăng cơ hội trúng tuyển; thêm cách thức vào đại học ngoài cách thức truyền thống là xét điểm thi tốt nghiệp. Ngày càng nhiều trường đại học áp dụng xét tuyển sớm, góp phần đa dạng hình thức tuyển sinh. Hình thức xét tuyển sớm được các trường sử dụng bao gồm thông qua xét học bạ trung học phổ thông, xét điểm kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy), chứng chỉ ngoại ngữ ...
Nguyễn Hà An, học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) cho biết, em tự tin sẽ trúng tuyển theo hình thức xét tuyển sớm bằng học bạ hoặc chứng chỉ ngoại ngữ, cũng đã tập trung đầu tư cho việc học toàn diện, trong đó có ngoại ngữ từ những năm cuối cấp trung học cơ sở. Thế nhưng khi nghe dự thảo quy chế mới, em rất bất an, lo lắng. Theo Hà An, nếu chỉ có 20% trong tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển có thể được trúng tuyển sớm, thì khó khăn hơn năm trước.
Cùng mối lo như Hà An, mấy ngày nay, Trần Khánh Chi, Trường Trung học phổ thông Tây Hồ (quận Tây Hồ) chuyển hướng với việc ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông để có thể đạt điểm cao nhất ở cả 4 môn thi, từ đó làm tăng cơ hội trúng tuyển đại học bằng việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp. Ngoài ra, Khánh Chi còn tìm kiếm thêm phương án dự phòng để bảo đảm “chắc suất” vào đại học hơn.
Vì sao cần xem xét lại việc xét tuyển sớm?
Tại hội nghị giáo dục đại học năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 8 ở Hà Nội, một số trường đề nghị xem xét lại việc xét tuyển sớm. Phó Giáo sư, Tiến sĩ nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, chỉ khoảng 20% số thí sinh trúng tuyển sớm đăng ký nguyện vọng 1. Việc tổ chức xét tuyển sớm khiến các trường gặp khó khăn trong dự báo tỷ lệ ảo.
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề xét tuyển sớm được đưa ra bàn luận. Từ thực tế triển khai vài năm qua, đã có ý kiến đề xuất nên xem xét lại, thậm chí không cho phép các trường xét tuyển sớm do thiếu công bằng giữa các thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức tọa đàm với sự tham gia của khoảng 50 chuyên gia, những người trực tiếp làm công tác tuyển sinh, đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học và giám đốc, phó giám đốc sở giáo dục và đào tạo, những người trực tiếp quản lý công tác giảng dạy, tổ chức giảng dạy học sinh phổ thông. Ý kiến của các đại biểu đồng thuận với dự thảo quy chế tuyển sinh đại học là bám theo nguyên tắc công bằng, chất lượng, hiệu quả, trong đó có nội dung về xét tuyển sớm.
Trở lại với lịch sử của việc tổ chức xét tuyển sớm. Trước đây, việc xét tuyển đại học thường bắt đầu sau khi học sinh có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ năm 2017, một số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm bằng học bạ và thành tích của học sinh, từ đó hình thức này được nhiều trường áp dụng. Thực tế cho thấy, việc xét tuyển sớm khiến các trường và thí sinh khá vất vả, nhưng hiệu quả không cao. Nhiều thí sinh trúng tuyển sớm nhưng cũng không nhập học. Từng trường, từng ngành không thể dự đoán được tỷ lệ thí sinh ảo, dẫn tới việc xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn.
Thêm dẫn chứng về sự bất hợp lý, thiếu công bằng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, vài năm vừa rồi, điểm chuẩn trong đợt xét tuyển chung của một số ngành tăng vọt. Có thí sinh 25 điểm trúng tuyển ngành này, nhưng cuối cùng điểm trúng tuyển lại là 26 điểm, trong khi có xét tuyển sớm thì thí sinh xét tuyển sớm đã trúng tuyển rồi. Sự thiếu công bằng còn từ việc các thí sinh được xét tuyển sớm khi chưa tốt nghiệp, trong khi hầu hết học sinh phải đến hết tháng 5 mới hoàn thành chương trình. Điều này tác động tiêu cực đến việc học tập ở phổ thông. Nhiều em có tâm lý đã trúng tuyển đại học rồi nên không quan tâm việc học nữa, chất lượng giáo dục phổ thông bị ảnh hưởng. Nhiều học sinh trong lớp cũng bị phân tán tâm lý đang khi ở chặng nước rút của kế hoạch ôn thi tốt nghiệp.
Từ những bất cập đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào dự thảo quy chế quy định giảm tỷ lệ xét tuyển sớm, chỉ những em thực sự có năng lực vượt trội mới được tuyển thẳng. Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý, cân nhắc kỹ về việc giảm tỷ lệ này như thế nào hoặc bỏ hẳn việc xét tuyển sớm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.