(HNMO) - Trao đổi với HNMO, ông Nguyễn Hữu Tới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) cho biết, trong sáng nay, 17-10, các đơn vị chức năng tiếp tục lấy mẫu nước tại các bể trong khu dân cư để xét nghiệm và sớm có khuyến cáo mới về việc sử dụng nước.
Trước đó, khoảng 21h hôm qua (16-10), Công ty Nước sạch sông Đà đã cấp nước trở lại vào đường ống phân phối nước cho các doanh nghiệp để cung cấp tới các hộ dân tại Hà Nội. Lãnh đạo Viwaco cho biết, trong sáng nay, áp lực nước đã tăng dần nên toàn bộ khách hàng sẽ có nước sử dụng trong ngày hôm nay.
Công ty Viwaco đang quản lý, cung cấp nước cho khoảng 150.000 khách hàng tại khu vực các quận: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần các quận: Hoàng Mai, Cầu Giấy, huyện Thanh Trì (phía Tây quốc lộ 1A). Trung bình mỗi ngày, khách hàng của Viwaco tiêu thụ khoảng 100.000 m3 nước của Nhà máy Nước sạch sông Đà.
“Nguồn nước này hiện vẫn được sử dụng theo khuyến cáo của UBND thành phố Hà Nội đưa ra chiều 15-10 là người dân chỉ nên dùng nước cho mục đích sinh hoạt; không sử dụng để ăn, uống. Trong sáng nay, các đơn vị chức năng tiếp tục lấy mẫu nước tại các bể trong khu dân cư để xét nghiệm và sớm có khuyến cáo mới về việc sử dụng nước”, ông Tới khẳng định.
Trước đó, chiều 16-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lấy thêm 4 mẫu nước của Nhà máy Nước sạch sông Đà để tiếp tục xét nghiệm. Các mẫu nước được lấy gồm: Nước thành phẩm, nước tại bể chứa nước trung gian tại huyện Thạch Thất, nước tại Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) và nước tại họng nước đấu nối của Nhà máy Nước sạch Sông Đà với hệ thống đấu nối nước của thành phố.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) tăng cường giám sát, xét nghiệm các mẫu nước. Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, các mẫu nước được lấy trong những ngày gần đây có chất lượng cải thiện hơn.
Riêng kết quả xét nghiệm những mẫu nước được công bố ngày 15-10 cho thấy, hàm lượng Styren trong nước sạch tuy cao hơn mức cho phép nhưng đó là nước lấy ở đầu nguồn và cô đặc, còn nồng độ trong thực tế ở hộ dân thì thấp hơn nhiều.
Thêm vào đó, người dân không sử dụng nguồn nước này trực tiếp, mà phải qua quá trình đun, nấu, vì vậy, chưa có cảnh báo nguy hại nào đối với sức khỏe. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, việc thau rửa bể chứa, súc rửa toàn bộ đường ống nước là cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.