(HNM) - Mô hình
Nhà khoa học không chỉ là những người nghiên cứu, mà còn là những doanh nhân, kinh doanh trên chính sản phẩm nghiên cứu của mình. Đó là một số tiêu chí đặt ra cho Chương trình thương mại hóa công nghệ Việt Nam theo mô hình mẫu "Thung lũng Silicon" hiện đang được Bộ KH&CN khởi động.
Mô hình “Thung lũng Silicon” sẽ được đầu tư xây dựng tại Đà Nẵng. |
"Hệ sinh thái" doanh nghiệp khởi nghiệp
Bên cạnh nguồn tài sản trí tuệ lớn từ kết quả nghiên cứu, giải pháp hữu ích của các nhóm đơn lẻ, cá nhân, mỗi năm nước ta có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức trong doanh nghiệp… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn nhiều hạn chế dù xã hội ngày càng đòi hỏi KH&CN phải đi vào cuộc sống, các kết quả KH&CN phải được ứng dụng nhiều hơn nữa trong thực tiễn.
Để tìm một hướng đi hiệu quả nhằm khai thác tốt nguồn tài sản trí tuệ hiện có, thúc đẩy quá trình thương mại hóa các nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao, Bộ KH&CN đã khảo sát tình hình thương mại hóa công nghệ theo mô hình "Thung lũng Silicon" ở Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc. Năm 2012, Bộ đã giao cho Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cùng với Văn phòng Phối hợp phát triển môi trường KH&CN nghiên cứu, triển khai đề án "Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon tại Việt Nam".
"Thung lũng Silicon" là trung tâm công nghệ cao của Mỹ, là một thị trường, nơi gặp gỡ của công nghệ mới với các nhà đầu tư mạo hiểm mà sự kết hợp của hai phía giúp hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) với mức tăng trưởng nhanh chóng. Nơi đây cũng phản ánh toàn bộ tình hình về đầu tư mạo hiểm cho công nghệ tại Mỹ. Với Việt Nam, theo ông Phạm Hồng Quất, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), đề án hướng đến mục tiêu tạo ra một "hệ sinh thái" gồm các start up được đào tạo để nâng cấp chính sản phẩm của mình. Họ sẽ được các cố vấn truyền đạt bí quyết kinh doanh, tư vấn trong chương trình thúc đẩy khởi nghiệp (BA) nhằm xây dựng hệ thống doanh nghiệp KH&CN thành công.
Mô hình "Thung lũng Silicon" tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện để các start up có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực công nghệ ngay từ khi xuất hiện ý tưởng, đề xuất nghiên cứu sơ bộ cho công nghệ đến khi hoàn thành nghiên cứu và lập được kế hoạch kinh doanh cụ thể mang tính chiến lược. Các start up thành công sẽ tạo ra một chuỗi phản ứng đổi mới và thay đổi nền kinh tế, từ các sản phẩm có giá trị thấp, tiêu tốn nhiều nhân công chuyển thành các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị cao.
Thành lập Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam
Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động khởi nghiệp và tổ chức đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện đề án đang tích cực vận động thành lập Quỹ Đầu tư ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, với sự tham gia của các doanh nhân thành đạt tại Việt Nam và Mỹ. Các văn bản thỏa thuận khung về nội dung hợp tác giữa cơ quan chủ trì đề án với tổ chức tư vấn thực hiện của Mỹ cũng đang được đàm phán trước khi ký kết.
Theo ông Phạm Hồng Quất, trong giai đoạn 2013-2014, đề án sẽ thực hiện một chương trình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp cho học viên là các start up tiềm năng, do các chuyên gia có kinh nghiệm thuộc "Thung lũng Silicon" của Mỹ hướng dẫn thực hiện, tiến tới tổ chức sự kiện Ngày khởi nghiệp (Demo Day) cho các học viên tốt nghiệp chương trình. Đáng chú ý, một quỹ đầu tư xã hội dành để ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam với tên gọi "Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam - Start up Vietnam Foundation" sẽ được thành lập. Cùng với đó là chương trình hỗ trợ gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước cho một số doanh nghiệp tiềm năng, giới thiệu họ tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như các mạng lưới tổ chức đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp tại Mỹ. Trong những năm tiếp theo, đề án sẽ nhân rộng các chương trình đào tạo tới các địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Đó cũng là cơ sở tăng cường xã hội hóa trong xây dựng vườn ươm start up tại những nơi này.
Việc triển khai đề án còn được kỳ vọng tạo môi trường thu hút chất xám thông qua xây dựng hệ thống BA, bao gồm các doanh nhân thành đạt, các nhà đầu tư mạo hiểm thành công, luật sư, chuyên gia công nghệ… đến từ "Thung lũng Silicon" của Mỹ. Hệ thống này còn giúp tạo môi trường đầu tư thuận lợi, kết hợp hiệu quả nguồn vốn ngân sách để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ khu vực tư nhân, đặc biệt là từ nước ngoài. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ được đưa ra đánh giá, xem xét mức độ phù hợp với nhu cầu của thị trường, xã hội và khả năng thương mại hóa. Ở đây, các nhà khoa học không chỉ được tư vấn về đề tài chuyên môn, mà còn được đào tạo về kỹ năng quản lý căn bản, kỹ năng thuyết trình, lập kế hoạch kinh doanh… theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhà khoa học không chỉ là những người nghiên cứu, mà còn là những doanh nhân, kinh doanh trên chính sản phẩm nghiên cứu của mình, có thể tự quản lý hoặc phát triển công trình nghiên cứu đó một cách độc lập.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc phát triển lực lượng doanh nghiệp KH&CN. Theo đó, mục tiêu là đến năm 2015 hình thành được 3.000 doanh nghiệp KH&CN, coi đây là lực lượng sản xuất mới nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai đề án nói trên sẽ là một trong những giải pháp để nước ta có nhiều start up chất lượng cao, thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước, góp phần tăng trưởng nền kinh tế, tăng GDP và công nghệ hóa nền sản xuất của quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.