(HNM) - GS.TSKH Trần Duy Quý là nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực công nghệ sinh học, di truyền và chọn tạo giống cây. Cuộc đời làm khoa học của ông luôn gần gũi, gắn bó với người nông dân bởi sự đam mê, nhiệt huyết đến quên mình cho việc nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống lúa mới năng suất cao, ít sâu bệnh, giúp hạt gạo Việt cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.
Người có duyên nợ với cây lúa
Trò chuyện trong căn phòng ấm áp trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), bằng giọng nói nhẹ nhàng, GS.TSKH Trần Duy Quý như trở về với ngày xưa, từ cậu bé ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc trải qua bao thăng trầm, phấn đấu để trở thành một nhà khoa học uy tín của Việt Nam và thế giới.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, tuổi thơ của GS.TSKH Trần Duy Quý chỉ biết làm bạn với con trâu và đồng ruộng, bởi vậy ông luôn thấu hiểu những khó khăn vất vả của người nông dân. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh vật, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970), ông về công tác tại Viện Khoa học tự nhiên, thuộc Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ say mê nghiên cứu khoa học, ông cùng các cộng sự đã chọn tạo được 51 giống cây trồng, trong đó có 43 giống lúa, được mệnh danh là “cha đẻ” của những giống lúa thuần Việt mang lại năng suất cao, được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Theo GS.TSKH Trần Duy Quý, nghiên cứu về các đột biến của cây lúa dưới tác động của hóa chất và tia phóng xạ là một hướng nghiên cứu mới, lần đầu tiên được giảng dạy tại Việt Nam. Là lứa sinh viên đầu tiên được truyền thụ, ông đã kiên trì theo đuổi hướng nghiên cứu này và gặt hái nhiều thành tựu to lớn.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực, GS.TSKH Trần Duy Quý và đồng sự đã chọn được giống lúa DT10 có năng suất cao, chống sâu bệnh và chịu bão tốt, thay thế giống Nông nghiệp 8 rất phổ biến khi đó. Khi trồng khảo nghiệm giống DT10, ông đã phải ký bảo lãnh với người dân: Nếu thất bại, ông sẽ đền nông dân 100%, còn nếu thành công thì chia đều. Bão về, lúa Nông nghiệp 8 bị đổ hết nhưng lúa DT10 vẫn đứng vững, đạt năng suất 200kg/sào (trong khi Nông nghiệp 8 chỉ được 140kg/sào). Thành công này được coi là lời tuyên chiến đầu tiên của ông với các giống lúa nhập ngoại với mong muốn xây dựng ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững trên nền tảng các giống lúa lai, lúa thuần Việt.
Nghỉ hưu từ năm 2013 nhưng duyên nợ của ông với cây lúa chưa dứt. Với vai trò lãnh đạo Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương (IAP), GS.TSKH Trần Duy Quý cùng các đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu nhiều giống cây trồng lai tạo có giá trị. Với thực tế diện tích lúa lai của Việt Nam hiện chiếm khoảng 10% tổng diện tích gieo trồng lúa. Tuy nhiên, lượng giống lúa lai sản xuất trong nước chỉ khoảng 30%, 70% còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc. Điều đó càng thôi thúc ông tiếp tục nghiên cứu để có những giống lúa đột phá, năng suất cao và hạt giống tốt.
Để làm ra một giống lúa mới tối thiểu phải mất 8-12 năm. Đến nay, Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương đã nghiên cứu thành công nhiều giống lúa thuần như: QJ4, BQ, QP5, NPT3, NPT4, NPT5, VS1, Sơn Lâm 1... với năng suất trung bình đạt 8-9 tấn/ha/vụ. Ấn tượng nhất là giống NPT3 (viết tắt New Plant Type), còn gọi siêu lúa. Giống lúa này cho năng suất và khả năng chống chịu vượt trội. Năm 2016, giống lúa NPT3 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống khu vực hóa, được phát huy rộng rãi trong sản xuất. Và ngày 24-12-2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chứng nhận bản quyền giống "siêu lúa NPT3".
Sống hết mình cho đam mê
Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học, GS.TSKH Trần Duy Quý luôn lấy người nông dân làm động lực, mục tiêu để cho ra đời nhiều sản phẩm khoa học nông nghiệp có giá trị, giúp họ được hưởng lợi nhiều nhất trên mảnh ruộng của mình mà từ đó gắn bó với đồng ruộng. Vì thế, dù là "cha đẻ" của nhiều giống lúa nổi tiếng, song chính ông lại trăn trở đề nghị về việc chỉ nên duy trì một diện tích trồng lúa vừa phải để bảo đảm an ninh lương thực trong một giới hạn cho phép, còn lại cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác có năng suất hơn, như rau, hoa, quả, cây cảnh, cá cảnh... phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, giúp nông dân làm giàu bền vững hơn.
Bước qua tuổi “thất thập” nhưng nhiệt huyết của ông Trần Duy Quý với công việc vẫn không giảm sút. Hiện nay, ông vẫn đảm nhiệm các trọng trách Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội...
GS.TSKH Trần Duy Quý quan niệm, nhà khoa học phải như một người nông dân thực thụ, trực tiếp lội ruộng, giăng cấy, bón phân… Lý thuyết có thể truyền dạy và học trên sách vở nhưng kinh nghiệm phải qua thực tiễn. Có ra ruộng, nắm hạt lúa trên tay... thì mới biết được nhiệt độ cần thiết, cây mạ khi cấy phải ngập sâu đến đâu để các mắt có thể đâm nhánh nhiều và khỏe nhất. Vì thế, hằng ngày, GS.TSKH Trần Duy Quý vẫn tự lái xe đến một số địa phương mà ông hợp tác, chuyển giao giống lúa, sẵn sàng lội ruộng cùng nông dân để mục sở thị những ứng dụng nghiên cứu của chính mình.
“GS.TSKH Trần Duy Quý là nhà khoa học của nông dân. Ông có cống hiến xuất sắc trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Những nghiên cứu của ông và các nhà khoa học của nhà nông đã góp phần to lớn vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, trí thức hóa nông dân, văn minh hóa và hiện đại hóa nông thôn” - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng chia sẻ.
Phong cách giản dị, gần gũi, cởi mở, luôn tận tâm làm việc hết mình, bất cứ ai tiếp xúc với ông cũng đều cảm nhận được bầu nhiệt huyết, đam mê ấy. Ông như cánh chim không mỏi truyền cảm hứng sáng tạo, say mê cho những thế hệ tương lai.
GS.TSKH Trần Duy Quý cùng các đồng nghiệp đã đoạt 5 giải thưởng Vifotex về khoa học và công nghệ (1994-2002); Giải thưởng Nhà nước về lúa lai (2005); Giải thưởng về chọn tạo giống lúa của Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (1995); Giải thưởng xuất sắc của Tổ chức Nông - Lương quốc tế (FAO) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) năm 2014 về công trình đột biến tạo giống lúa... Ông cũng được vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ nhất - năm 2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.