Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo có những diễn biến đáng chú ý. Nổi lên là nguồn cung lúa gạo trong nước ngày càng dồi dào, hoạt động xuất khẩu lại trái ngược khi có dấu hiệu chững lại.
Cụ thể là giá gạo xuất khẩu bất ngờ giảm mạnh trong thời điểm cuối tháng 2 và hiện tại, giá lúa gạo vẫn tiếp tục đà đi ngang, chưa cho thấy xu hướng tăng trở lại.
Nguyên nhân của tình hình được nhìn nhận là do ở thời điểm này, các khách hàng lớn giảm mua sau khi đã nhập khẩu một số lượng lớn gạo. Bên cạnh đó, nguồn lúa gạo dồi dào hơn do các nước Thái Lan, Philippines, Indonesia đều đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân giống như nước ta. Điều này khiến nhiều nhà nhập khẩu bớt áp lực mua hàng và tiếp tục kỳ vọng giá tốt hơn trong thời gian tới.
Như hiệu ứng domino, thị trường quốc tế trầm lắng hơn đã ảnh hưởng dây chuyền đến thị trường lúa, gạo trong nước. Từ thời điểm cuối tháng 2 đến nay, các doanh nghiệp trong nước có xu hướng giảm mua lúa, gạo để tránh ùn ứ và chờ giá xuống. Điều này đang gây ra không ít thiệt thòi cho người trồng lúa khi nguồn cung tăng mạnh do vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, trong khi họ không thể giữ lại kho, dẫn đến nguy cơ bị thương lái ép giá…
Từ thực tế thị trường lúa gạo thời gian qua cho thấy, nếu tình trạng nói trên kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2-3-2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và bảo đảm lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam; nghiên cứu tinh giản đầu mối xuất khẩu gạo, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh nhưng không quá phân tán, hiệu quả kinh doanh, uy tín của gạo Việt Nam.
Xem xét ở mọi khía cạnh có thể thấy, dù trong 2 tháng đầu năm nay, thị trường xuất khẩu gạo có một số diễn biến trái chiều, nhưng về căn bản chúng ta vẫn có những điểm thuận lợi để mặt hàng chủ lực này bứt phá trong năm 2024. Bởi thực tế nhu cầu gạo của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao do tác động của hiện tượng El Nino và xung đột vũ trang ở một số khu vực trên thế giới. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu gạo cũng khiến thế giới phụ thuộc nhiều vào nguồn cung lúa, gạo từ các nước xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam.
Gạo hiện vẫn là mặt hàng thiết yếu trên thế giới cũng như Việt Nam nên thời gian tới, cơ hội sản xuất, kinh doanh còn rất lớn. Ðiều cần thiết là doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng khả năng nắm bắt thông tin, thích ứng linh hoạt trước mọi diễn biến của thị trường toàn cầu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và gia tăng giá trị xuất khẩu một cách bền vững.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cần thực hiện tốt công tác kiểm soát về chất lượng cũng như giá thành lúa, gạo một cách bài bản và dài hơi hơn. Làm tốt việc này sẽ giúp người nông dân và doanh nghiệp yên tâm về đầu ra cho lúa, gạo, nhất là xuất khẩu. Đồng thời, cần đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, cần nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch lúa, gạo để bảo đảm công khai, minh bạch trong kinh doanh lúa, gạo cả ở trong nước và cho thị trường xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.