(HNM) - Văn hóa ứng xử là vấn đề rộng liên quan đến nhiều không gian, nhưng nơi công cộng là một không gian lớn, trong đó câu chuyện ứng xử đang có những biểu hiện lệch chuẩn cần sự điều chỉnh.
Việc các cơ quan, ban, ngành, người dân Hà Nội đang cùng triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng (ban hành ngày 10-3-2017) cũng là đáp ứng yêu cầu chung đó của xã hội, đồng thời góp phần gìn giữ và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phải nói, văn hóa ứng xử nơi công cộng chính là một trong những nét đặc trưng làm nên vẻ đẹp của vùng đất “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài”. Người Hà Nội cũng đã ý thức về nguồn sức mạnh cộng đồng này rất rõ ràng, thể hiện qua hệ thống hương ước, quy ước tồn tại đời này qua đời khác, giữ cho không gian chung được yên ổn, phát triển.
Thủ đô Hà Nội, nơi có lượng người nhập cư lớn, nơi diễn ra sự đón nhận, chắt lọc tự nhiên của đời sống mọi mặt, dù phải chứng kiến những biểu hiện sa sút của lối ứng xử nơi công cộng, nhưng không có nghĩa là nền tảng tốt đẹp ấy không còn. Xã hội vẫn còn rất nhiều người có ý thức, nhiều hành động đẹp từ những việc nhỏ. Chỉ có điều, những hành động ấy đều xuất phát từ lẽ tự nhiên và thường lặng lẽ; trong khi đó, những hành vi phản cảm trong ứng xử đôi khi lại lan truyền nhanh...
Nói như vậy để thấy, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố ra đời là sự tiếp nối một phương thức hiệu quả để điều chỉnh những hành vi ứng xử không phù hợp trong xã hội; là cách để hướng sự tập trung của cộng đồng vào phát huy những gì tốt đẹp vốn vẫn tiềm ẩn trong đời sống Thủ đô; đồng thời hạn chế hành vi đi ngược lại giá trị chung. Quy tắc ứng xử này ra đời vì cộng đồng và cần đến chính niềm tin, sức mạnh từ cộng đồng để phát huy hiệu quả.
Trước hết, Quy tắc này phải được phổ biến rộng rãi tới cộng đồng, thông qua truyền thông nhưng cũng cần tuyên truyền trực quan với bảng hướng dẫn được niêm yết tại những không gian cụ thể như vườn hoa, quảng trường, công viên, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, bảo tàng, thư viện...
Đặc biệt Quy tắc này cần hiện hữu trong đời sống từng địa bàn dân cư, thể hiện qua việc cụ thể hóa thành từng nhóm quy tắc ứng xử phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, môi trường khu vực. Ví như quy tắc ứng xử của người dân khu phố cổ sẽ tập trung mạnh vào giao tiếp, mua, bán hàng hóa chất lượng. Quy tắc ứng xử của người dân các khu chung cư có thể chú trọng hơn đến việc giữ vệ sinh môi trường chung, tôn trọng sự yên bình mỗi căn hộ... Làm rõ tính thiết thực, tính lợi ích của thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng đối với chính người dân là một cách nâng hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử này.
Đặc biệt, sức mạnh cộng đồng còn thể hiện ở khả năng giám sát. Người dân nhắc nhở lẫn nhau, người lớn làm gương cho trẻ nhỏ. Thậm chí, cần giới thiệu bộ quy tắc này trong môi trường học đường, tạo ra một luồng giám sát ngược, hiệu quả từ chính trẻ nhỏ tới các phụ huynh.
Cũng như vậy, cơ quan quản lý tạo ra cơ chế, tạo điều kiện để cộng đồng giám sát bằng tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng, bằng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp cũng đánh giá, xem xét các danh hiệu văn hóa thông qua tiêu chí thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng...
Thực tế đã cho thấy, ở đâu cộng đồng thống nhất trong nhận thức, có tiếng nói mạnh mẽ thì ở đó những quy tắc chung được bảo vệ. Nhìn rộng ra những không gian công cộng ở nhiều quốc gia trong khu vực, văn hóa ứng xử được xây dựng, giữ gìn cũng chính nhờ ở việc phát huy nguyên lý sức mạnh từ cộng đồng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.