Du lịch

Khi nghệ thuật "cất cánh" cùng du lịchTạo lực đẩy bền vững cho công nghiệp văn hóa

Ngân Lê 19/01/2025 - 15:31

Với nỗ lực đổi mới, nâng tầm giá trị điểm đến, tăng sức hút đối với du khách, nhiều điểm đến của du lịch Hà Nội đã đưa nghệ thuật biểu diễn vào sản phẩm dịch vụ.

Tuy đã có những dấu ấn nhất định, góp phần định hình thương hiệu cho du lịch Hà Nội, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, nhưng kết quả bền vững chỉ xuất hiện khi các bên liên quan cùng chung tầm nhìn và mục tiêu hành động.

van-hoa-1.jpg
Chương trình “Quà tặng của nhân gian” kết hợp biểu diễn nghệ thuật và giới thiệu tinh hoa làng nghề tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra từ ngày 2 đến 5-1 vừa qua.

Nghệ thuật thăng hoa cùng du lịch

Vừa qua, trong khuôn khổ dự án “Biểu diễn nghệ thuật gắn với không gian phố cổ”, các nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ra mắt nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc. Điều thú vị là một số chương trình được tổ chức tại không gian văn hóa công cộng, di tích... Chẳng hạn, Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn vở “Cành khế ngọt” (tác giả, đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên) tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm; Nhà hát Tuồng Việt Nam ra mắt trích đoạn “Ôn Đình chém Tá” và “Kim Lân qua đèo” (đạo diễn Nguyễn Việt Yên) cùng hoạt động tương tác khám phá nhạc cụ dàn nhạc tuồng trong khu phố cổ; Nhà hát Tuổi Trẻ đưa vở “Ký ức trong tôi” (ý tưởng kịch bản: Lại Huy Hoàng; đạo diễn: NSƯT Cao Ngọc Ánh) tới Công viên Thống Nhất; Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt vở “Thầy Chu Văn An” tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Trong số nói trên, không thể không nhắc tới chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, có sự tham gia của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam, đã tạo tiếng vang cả về quy mô và chất lượng nghệ thuật. Với sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng, âm thanh, hình ảnh 3D sống động, nghệ thuật truyền thống mang đến cho khán giả trải nghiệm mới lạ về tinh hoa văn hóa Việt Nam...

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, đây là dự án lớn của Bộ nhằm góp phần quảng bá rộng rãi nghệ thuật dân tộc, xây dựng chương trình biểu diễn chất lượng tại các điểm đến, qua đó thúc đẩy sự phát triển du lịch. Chia sẻ về dự án này, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, đây là dịp để các nhà hát thể hiện sức sáng tạo, làm mới chính mình nhằm tiếp cận gần hơn với khán giả. Còn theo NSND Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam), việc xây dựng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng tại các điểm du lịch không chỉ tạo cơ hội cho nghệ thuật truyền thống thăng hoa mà còn giúp tăng sức hút cho điểm đến.

Nỗ lực làm mới điểm đến

Trong thực tế, việc tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các điểm đến để thu hút du khách đã được Hà Nội triển khai từ nhiều năm nay. Chỉ tính quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đã có nhóm Xẩm Hà thành, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội... thường xuyên biểu diễn.

Trong khu phố cổ, nhiều sân khấu biểu diễn đã định hình tại những nơi du khách thường xuyên lui tới. Điển hình là Nhà hát Tuồng Việt Nam giới thiệu các trích đoạn nghệ thuật truyền thống tại khu vực đền Hương Tượng (64 Mã Mây). Tại đền Quan Đế (28 Hàng Buồm) là chương trình nghệ thuật của Câu lạc bộ Truyền thống phố cổ. Vào tối cuối tuần, tại ngã tư Đinh Liệt - Gia Ngư có chương trình âm nhạc đương đại. Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ), nhóm Đông Kinh cổ nhạc thường xuyên biểu diễn chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” với các thể loại ca trù, nhạc dân tộc...

Biểu diễn nghệ thuật nhằm thu hút khách du lịch không còn là mô hình riêng lẻ. Không ít điểm đến “tích hợp” chương trình nghệ thuật vào hoạt động tham quan để xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Trong đó, đáng chú ý là tour “Đêm linh thiêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Năm 2020, khi sản phẩm này chính thức ra mắt, trong đó có một số hoạt cảnh tái hiện câu chuyện xúc động của những cựu tù chính trị đã tạo tiếng vang lớn. Theo Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy, sáng tạo hoạt cảnh sân khấu hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch mang lại sự mới mẻ, tạo hiệu ứng tích cực cho du khách.

Sau “Đêm linh thiêng”, Hà Nội có thêm nhiều sản phẩm du lịch - văn hóa sáng tạo. Điển hình là tour văn học “Chữ tâm chữ tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam với màn trình diễn trích đoạn “Chí Phèo - Thị Nở” kết hợp cùng phần trưng bày, sắp đặt, giúp câu chuyện về lịch sử văn học nước nhà thêm sinh động. Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” giới thiệu màn múa hoàng cung và múa rối nước. Hay mới đây, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ trình làng vở diễn thực cảnh “Chuyện phố hàng” ở Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây)... Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa, thông tin quận Hoàn Kiếm Trần Thị Thúy Lan, hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các điểm du lịch trên địa bàn quận không chỉ mang lại hiệu quả thu hút du khách, mà còn tạo sân chơi nghệ thuật để nghệ nhân, nghệ sĩ tiếp cận với công chúng.

Làm sao để “hái ra tiền”?

Hiện nay, tại Hà Nội có 12 nhà hát do Bộ VHTTDL quản lý, 6 nhà hát do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý, ngoài ra còn có một số nhà hát thuộc các bộ, ngành. Với lợi thế đó, Thủ đô có nhiều chương trình biểu diễn, nghệ thuật tầm cỡ do Nhà nước và tư nhân đầu tư, là mô hình điểm cho việc đưa biểu diễn nghệ thuật phục vụ du lịch. Hiệu quả đã rõ, như đã thấy với chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” của Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội, trình làng từ năm 2017; hay mới đây là chương trình nhạc kịch đậm chất Broadway - “Giấc mơ Chí Phèo” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.

Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế nhưng trên thực tế, Hà Nội vẫn chưa phát huy tối đa tiềm năng nghệ thuật trong phát triển du lịch. Theo Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội Trương Minh Tiến, nhiều chương trình nghệ thuật tại điểm du lịch chủ yếu mang tính chất phục vụ cộng đồng, chất lượng nghệ thuật cao nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút khách, nguồn thu từ bán vé không cao nên khó duy trì lâu dài.

Đồng tình với ý kiến nói trên, với kinh nghiệm từ một đơn vị có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa sáng tạo được công chúng và du khách ghi nhận, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho rằng: Điều quan trọng, cần được xem xét nghiêm túc là làm sao để giải “bài toán đường dài” cho các chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch tại các điểm đến. Rất nhiều chương trình được đầu tư hoành tráng, chất lượng cao nhưng chi phí quá lớn, dẫn đến tình trạng thu không đủ bù chi, nên khó “nuôi”.

Hà Nội có không ít chương trình nghệ thuật, biểu diễn chất lượng, nhưng câu hỏi lớn là làm thế nào để các chương trình có thể vừa giúp tăng sức hút đối với du khách vừa sinh lợi nhuận cao? Đó là bài toán không đơn giản. Theo NSND Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, quan trọng là các đơn vị quản lý điểm đến và đơn vị nghệ thuật cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để hình thành cơ chế đặt hàng phù hợp, đầu tư sản phẩm đa dạng, chất lượng.

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, các đơn vị quản lý điểm đến và công ty lữ hành cũng cần phối hợp chặt chẽ cả trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm; ngoài các hoạt động biểu diễn, cần có thêm hoạt động trải nghiệm giàu tính sáng tạo tại điểm đến. Khả năng sáng tạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, dưới bàn tay quản lý chung sẽ giúp các sản phẩm không sa vào lối mòn mà mang nét đặc sắc riêng, làm phong phú hơn trải nghiệm của người dân và du khách.

Theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hà Nội tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô, như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn... Mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện, bền vững các ngành công nghiệp văn hóa. Nghệ thuật và du lịch như hai mũi nhọn có thể kết hợp để tạo lực đẩy mạnh mẽ cho phát triển công nghiệp văn hóa. Để sự kết hợp đó tạo hiệu quả lớn hơn, mang lại giá trị cả về vật chất, tinh thần thì không chỉ cần đầu tư về tài chính, mà còn cần chiến lược quảng bá trên cơ sở các đơn vị quản lý điểm đến, tổ chức biểu diễn, lữ hành có chung mục tiêu và hướng nhìn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi nghệ thuật "cất cánh" cùng du lịch Tạo lực đẩy bền vững cho công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.