Góc nhìn

Xin nghỉ trước tuổi - vì lợi ích chung

Bình Yên 13/01/2025 - 06:23

Những ngày này, cả hệ thống chính trị đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Cùng với nỗ lực của hệ thống chính trị để chúng ta có được một bộ máy thực sự “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, nhiều cán bộ, đảng viên vì lợi ích chung đã xin nghỉ trước tuổi hưu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sắp xếp.

1. Câu chuyện Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Vinh viết đơn xin nghỉ trước tuổi dù còn 3 năm nữa mới hết tuổi công tác; hai cán bộ của tỉnh Thái Nguyên là Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thái Hanh và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Quỳnh Hương, hay Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Bùi Thị Mười cũng xin nghỉ trước tuổi hưu... được báo chí phản ánh nhiều những ngày qua. Chưa kể, tại tỉnh Quảng Ngãi có 48 trường hợp là lãnh đạo, công chức, viên chức và tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có gần 10 trường hợp, huyện Phú Xuyên có 4 trường hợp là cán bộ chủ chốt cấp xã… xin nghỉ trước tuổi hưu.

Điểm chung ở những cán bộ, đảng viên này là tinh thần ủng hộ mạnh mẽ công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bằng hành động cụ thể, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân. Khi được hỏi về quyết định của mình, các đồng chí cán bộ nêu trên đều bày tỏ nhận thức rõ về mục đích, ý nghĩa của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nên tình nguyện xin nghỉ trước tuổi hưu theo quy định để tạo điều kiện cho công tác sắp xếp bộ máy được thực hiện nhanh gọn, hiệu quả.

Lâu nay, việc thành lập mới hoặc tách bộ máy thường dễ dàng thực hiện và việc triển khai thuận lợi. Ngược lại, việc sắp xếp, thu gọn tổ chức bộ máy thường gặp khó khăn hơn rất nhiều. Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói: Đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích; đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, thậm chí là sự hy sinh của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó là quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển của đất nước, chung tay thực hiện bằng được mục tiêu phải tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Trong bối cảnh như vậy, quyết định và hành động của các cán bộ, đảng viên nói trên được Đảng và nhân dân trân trọng ghi nhận. Họ đã thể hiện sự nêu gương của người đảng viên, đặt quyền lợi của tập thể lên trên hết, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cá nhân mình.

2. Đối với mỗi người đảng viên, ngay từ khi gia nhập hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam có một lời thề trước Đảng, trước dân, đó là “suốt đời phấn đấu hy sinh”. Vì lời thề thiêng liêng ấy mà trong tiến trình 95 năm qua kể từ khi có Đảng, biết bao tấm gương đảng viên đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Và có biết bao đảng viên đã và đang hằng ngày, hằng giờ lặng thầm cống hiến, chấp nhận sự hy sinh gian khổ, tận trung với nước, tận hiếu với dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nhận việc khó về mình…, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Đảng.

Chính sự hy sinh, sự nêu gương của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đảm nhận cương vị lãnh đạo trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước nói chung và trong “cuộc cách mạng” thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ nói riêng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho quần chúng, góp phần nâng cao uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Qua đó, càng khẳng định nêu gương vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng, vừa là phương pháp giáo dục có sức thuyết phục nhất.

Với tinh thần “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã công bố Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương. Việc 13 cơ quan Đảng, đoàn thể trung ương hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn, cho thấy tinh thần gương mẫu, quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc và sự nêu gương để các địa phương làm theo.

Dẫu biết rằng còn nhiều việc phải làm, như phải xây dựng hoặc rà soát sửa đổi quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ… và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hợp nhất mang tính thuần túy cơ học, không để xảy ra tình trạng phân biệt, mất đoàn kết, song 13 cơ quan Đảng, đoàn thể trung ương đang chạy đua với thời gian để đạt được mục đích sau sắp xếp, tổ chức bộ máy thực sự tinh gọn, đơn vị phải hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Sự nêu gương của các cơ quan trung ương chính là cơ sở quan trọng để các địa phương hưởng ứng làm theo, thực hiện thành công “cuộc cách mạng” về tinh gọn bộ máy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành... Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em... Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công.

Trước thềm kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), lời Bác dạy, cũng như những tấm gương vì lợi ích chung của “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân nhắc nhở mỗi đảng viên phải luôn khắc ghi lời thề trước Đảng “suốt đời phấn đấu hy sinh”, cùng chung sức đồng lòng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xin nghỉ trước tuổi - vì lợi ích chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.