(HNM) - Vi rút cúm gia cầm (CGC) A/H7N9 đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Dù Việt Nam chưa xuất hiện chủng vi rút CGC A/H7N9 nhưng chủng vi rút CGC A/H5N1 vẫn xảy ra ở một số địa phương.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh CGC, chiều tối 20-2, Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan đã họp bàn các biện pháp đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh. Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc rất phức tạp, hiện đã ghi nhận 425 trường hợp mắc với tỷ lệ tử vong khoảng hơn 40%.
Theo báo cáo của ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y - Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay nước ta đã ghi nhận 3 ổ dịch CGC H5N1. Riêng ngày 20-2 đã ghi nhận ổ CGC tại 3 hộ gia đình thuộc xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chính quyền tại đây đã tiêu hủy 4.600 con vịt (mắc dịch cúm A/H5N1 từ ngày 15-2). UBND huyện Trực Ninh đã ra quyết định công bố dịch trong ngày 20-2. Với dịch cúm A/H5N6, đầu năm 2017 đã ghi nhận ổ dịch tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tình hình chăn nuôi gia cầm ở thành phố vẫn ổn định với tổng đàn 26 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi vẫn ở dạng nhỏ lẻ (chiếm khoảng 70%), tự phát trong khu dân cư nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Ý thức người dân cũng còn hạn chế như: Khi nhập con giống về chăn nuôi chưa khai báo đầy đủ với chính quyền địa phương, gây khó khăn trong quản lý đàn vật nuôi, nguồn gốc của vật nuôi, nguồn gốc dịch bệnh. Khu vực chăn nuôi bị ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh cũng khiến dịch bệnh phát sinh nếu không có biện pháp phòng, chống hiệu quả.
“Với 12 điểm kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc và đến nay chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9, cúm A/H5N1 trên người. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh H7N9, tới đây ngành Y tế sẽ gia tăng hoạt động giám sát trên người, đặc biệt là ở khu vực có nhiều khách du lịch như Nha Trang, các khu vực giáp với vùng biên giới Trung Quốc... Ngành sẽ mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ được lấy mẫu giám sát thay vì như trước đây là chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp nặng...”.
|
Quyết liệt các biện pháp phòng chống
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngày 20-2, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, trong bối cảnh dịch cúm A/H7N9 bùng phát tại Trung Quốc, nếu không kiểm soát chặt tình trạng vận chuyển, buôn bán, nhập lậu gia cầm qua biên giới thì nguy cơ dịch xâm nhập vào nước ta rất lớn.
Nhằm ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhiễm vi rút CGC A/H7N9 và các chủng vi rút CGC khác, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các địa phương quyết liệt thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm, sản phẩm gia cầm. Tuyên truyền đến cư dân biên giới về sự nguy hiểm của bệnh CGC, giám sát, phát hiện, đấu tranh không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm. Vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống ở các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu, nắm chắc tình hình dịch bệnh, cách phòng tránh.
Phó Cục trưởng Cục Thú y - Bộ NN&PTNT Đàm Xuân Thành cho biết, gia cầm bị nhiễm cúm có biểu hiện sưng phù đầu mặt, mí mắt, mào yếm thịt, mắt cá chân; tím tái ở mào, chỗ da không có lông, yếm thịt dưới da cổ của gà tây, xuất huyết dưới da… Người bị nhiễm vi rút CGC đều do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hoặc với môi trường đã bị nhiễm vi rút như: Chuồng, phân, chất thải gia cầm. Người bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1 có biểu hiện ho, sốt cao, đau đầu, bệnh diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong cao, nhưng nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể cứu sống bệnh nhân. Người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9 thường bị viêm phổi nặng, các triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở…
Đáng lưu ý, thông tin về các bệnh mà vi rút CGC A/H7N9 có thể gây ra vẫn còn hạn chế, chưa rõ ràng. Vì vậy, để hạn chế dịch bệnh phát sinh và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, các địa phương cần tuyên truyền tới người dân về cách nhận biết khi bị dịch CGC lây sang người. Về lâu dài, để khống chế dịch bệnh, các địa phương chăn nuôi theo quy hoạch, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ; tiêm phòng vắc xin theo quy định; khuyến cáo người dân áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học... Chi cục thú y các tỉnh, thành phố nâng cao trình độ chuyên môn cho mạng lưới thú y cơ sở và người chăn nuôi để chủ động phòng chống dịch bệnh, kịp thời xử lý, khống chế phát sinh dịch bệnh gia súc, gia cầm ngay từ cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.