Y tế

Chặn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên người

Thu Trang 10/04/2024 - 08:36

Sau nhiều năm “vắng bóng” không ghi nhận ca bệnh thì từ tháng 3-2024 đến nay, nước ta đã phát hiện 2 ca mắc mới cúm gia cầm trên người, trong đó có 1 ca tử vong. Hiện đang là giai đoạn chuyển mùa, tạo thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển và lây lan.

Thêm vào đó, tình hình dịch cúm gia cầm cũng diễn biến phức tạp ở một số nước trên thế giới. Vì vậy, nếu không có những biện pháp quyết liệt, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên người ở nước ta là khó tránh khỏi.

phun-thuoc-khu-trung-phong-.jpg
Phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm tại chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín).

50% người mắc cúm A(H5N1) diễn tiến nặng và tử vong

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có gần 1.300 ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Còn tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Y tế, dịch cúm A(H5N1) ghi nhận lần đầu vào năm 2003. Có nhiều làn sóng dịch, cao điểm nhất là giai đoạn 2004-2009 với 112 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 57 ca tử vong. Sau nhiều năm không có ca bệnh, đến tháng 10-2022 ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A(H5) trên người tại tỉnh Phú Thọ. Mới đây, vào tháng 3-2024, nước ta phát hiện 1 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa. Tích lũy đến nay, Việt Nam có 129 ca nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 65 ca tử vong (chiếm khoảng 50%). Ngoài ra, vào đầu tháng 4-2024, nước ta có thêm ca mắc cúm A/H9 đầu tiên là nam bệnh nhân 37 tuổi tại tỉnh Tiền Giang.

Trong các vi rút cúm gia cầm lây sang người được ghi nhận, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức cho biết, vi rút cúm A(H5N1) là một chủng cúm có độc lực cao, thời gian ủ bệnh trung bình là 7 ngày. Điều đáng nói, có đến 50% người mắc vi rút cúm này diễn tiến nặng và tử vong. Không chỉ gây bệnh trên gia cầm nuôi, vi rút cúm A(H5N1) còn được tìm thấy ở các loài gia cầm hoang dã như: Chim, vịt… di cư. Khi nhiễm cúm, tỷ lệ chết ở gia cầm nuôi rất cao trong khi ở các loài gia cầm hoang dã thường không có triệu chứng, tỷ lệ chết lại rất thấp.

Kết quả điều tra dịch tễ trường hợp nam sinh viên (21 tuổi ở Khánh Hòa) tử vong do nhiễm cúm A(H5N1) mới đây cho thấy, bệnh nhân không giết mổ, không ăn thịt gia cầm ốm chết. Các mẫu bệnh phẩm ở những người tiếp xúc với bệnh nhân và các mẫu gia cầm xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống đều âm tính với vi rút cúm. Tuy nhiên, nam bệnh nhân này có sở thích đi bẫy chim. Do đó, nghi vấn nguồn lây cho bệnh nhân từ chim hoang dã cũng được đặt ra”, ông Hoàng Minh Đức nói.

Chống dịch trên gia cầm và trên người

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 6 ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm xảy ra tại 6 tỉnh (gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang), buộc tiêu hủy 8.924 con gia cầm (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023). Vi rút cúm gia cầm với các chủng A(H5N1), A(H5N6), A(H5N8)... đang lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 5%).

Nhận định về tình hình dịch bệnh, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho rằng, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao. Nguyên nhân do nhiều yếu tố như: Quy mô đàn gia cầm lớn, tình trạng giết mổ gia cầm nhỏ lẻ còn rất phổ biến. Cả nước có trên 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ, gây khó khăn trong công tác kiểm soát.

Trước thực tế trên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho rằng, cần phải phối hợp chống dịch cả trên gia cầm và trên người. Đối với ngành Y tế phải nâng cao năng lực phòng, chống dịch của các tuyến, trong đó tăng cường hệ thống giám sát, kiểm soát dịch từ sớm và đúng thời gian. Như thế mới có căn cứ để đưa ra các biện pháp khống chế dịch bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, với nguồn lây trên động vật, ngành Y tế không thể đơn phương kiểm soát mà cần có sự phối hợp giữa nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhất là ngành Thú y. Đặc biệt, để công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cần tăng cường sự phối hợp liên ngành không chỉ giữa thú y và y tế mà còn nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị.

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Lương Tâm:
Thay đổi thói quen tiêu dùng để phòng bệnh

t3-ykien-nguyen-luong-tam.jpg

Có rất nhiều chủng vi rút cúm lây lan sang người nhưng chủ yếu vẫn là cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) và cúm A(H9N2). Con đường lây nhiễm dễ nhất của cúm gia cầm sang người đó là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh hoặc sử dụng trứng sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Bên cạnh đó, vi rút cũng có thể lây truyền qua dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm.

Hiện bệnh cúm gia cầm trên người chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, để chủ động phòng, chống bệnh, người dân cần thay đổi thói quen tiêu dùng, không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương:
Đối mặt với nhiều khó khăn trong phòng, chống cúm

t3-ykien-vu-cao-cuong.jpg

Từ năm 2003 đến 2010, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 21 ca mắc cúm A(H5N1) ở người, trong đó có 9 ca tử vong. Từ năm 2011 đến nay, thành phố không ghi nhận ca bệnh trên người.

Hằng năm, Sở Y tế thành phố đều phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các biện pháp phòng, chống cúm từ gia cầm lây sang người. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao (gần 60%); nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế, nhất là ở những vùng nông thôn nghèo; phần lớn cơ sở giết mổ gia cầm thủ công nên rất khó khăn trong công tác quản lý. Mặt khác, thành phố Hà Nội giáp với 8 tỉnh, thành phố nên việc vận chuyển, lưu thông động vật và sản phẩm động vật ra, vào thành phố rất lớn và khó kiểm soát. Lượng tiêu thụ thịt động vật của nhân dân Thủ đô rất lớn, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 800 đến 1.000 tấn thịt.

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam Trần Đắc Phu:
Cách phân biệt triệu chứng cúm thường và cúm gia cầm

t3-ykien-tran-dac-phu.jpg

Để phân biệt cúm A với cúm A(H5N1), mọi người cần lưu ý, cúm mùa là lây từ người sang người; còn cúm A(H5N1) lây từ chim hoang dã hoặc gia cầm sang người, chưa phát hiện lây từ người sang người. Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày, kể từ ngày bị nhiễm trùng như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau ngực, khó thở, mệt mỏi, cảm thấy rét run, choáng váng đầu óc; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm... Còn cúm gia cầm ở người có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ như sốt và ho, nặng như viêm phổi nghiêm trọng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc và thậm chí tử vong. Riêng cúm A(H5N1) là chủng có độc lực cao, người nhiễm thường có biểu hiện nặng, với tỷ lệ tử vong lên tới 50-60%. Do đó, khi có dấu hiệu sốt, bị viêm nhiễm đường hô hấp khi có lịch sử tiếp xúc với gia cầm thì không nên chủ quan mà cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xuân Lộc ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chặn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.