Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn cung sản phẩm chăn nuôi bảo đảm dịp cuối năm

Ngọc Quỳnh| 25/10/2021 16:42

(HNMO) - Chiều 25-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh thì giá thịt gia súc, gia cầm tăng từng ngày, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn sẽ bảo đảm nguồn cung cuối năm và xuất khẩu.

Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản...

Tuy nhiên, chăn nuôi cơ bản phát triển ổn định, 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, trên 12 tỷ quả trứng và gần 900.000 tấn sữa.

Đến cuối tháng 9 đầu tháng 10-2021, tổng đàn lợn cả nước hơn 28 triệu con, tăng 5%; những tỉnh, thành phố có đàn lợn với số lượng lớn như: Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa; sản lượng lợn hơi 9 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,9 triệu tấn, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn duy trì phát triển, hiện tổng đàn lợn thịt đạt hơn 6 triệu con, chiếm 23-24% tổng đàn lợn thịt của cả nước.

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm 30-50%. Đến nay, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, song lượng nhân công lao động ở các địa phương chưa trở lại các thành phố lớn để làm việc, trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách với số lượng ít nên mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế... Do đó, giá lợn hơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong 9 tháng năm 2021, giá thịt lợn hơi theo xu hướng giảm dần; từ tháng 3 và tháng 4-2021 có mức giá 70.000-75.000 đồng/kg; đến tháng 8 và tháng 9-2021 có mức giá 42.000-50.000 đồng/kg; sang tháng 10-2021, có thời điểm giảm xuống dưới 30.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, trong 2-3 ngày qua, tại các vùng, giá thịt lợn xuất chuồng đã tăng trở lại (tăng khoảng 5.000-6.000 đồng/kg). Đến ngày 25-10, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước dao động 36.000-45.000 đồng/kg; dự kiến khoảng 2 tuần tới, giá lợn hơi tiếp tục tăng ở mức ổn định, bảo đảm có lãi cho người chăn nuôi. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng, việc lưu thông thuận lợi hơn sau khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát.

Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chi phí sản xuất đầu vào cho chăn nuôi tăng 32-35%. Giá thịt lợn đã tăng, dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Để duy trì sản xuất, bảo đảm chăn nuôi lợn tăng trưởng ổn định, các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng, các bộ, ngành cần thông tin rõ ràng về nhu cầu thị trường, giá cả, tổng đàn vật nuôi để người chăn nuôi nhỏ lẻ nắm rõ thông tin, tránh tình trạng bán chạy lợn dẫn tới giá giảm.

Ông Nguyễn Văn Bách - Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh thuốc thú y Amavet cho biết, các ngành chức năng cần xây dựng hàng rào kỹ thuật để giảm nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm, ổn định thị trường trong nước. Cùng với đó, Cục Chăn nuôi cần thực hiện công tác thống kê, quy hoạch chăn nuôi để sản xuất theo nhu cầu thị trường nhằm giảm tiềm ẩn rủi ro.

Giá thịt lợn đang tăng từng ngày.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương (cám, ngô, sắn...) tự phối trộn để giảm giá thành; đồng thời, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế rủi ro, giảm chi phí trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Nếu thực hiện đồng bộ được những giải pháp như trên cùng công tác kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là kiểm soát tốt bệnh Dịch tả lợn châu Phi, chắc chắn nguồn cung sản phẩm chăn nuôi sẽ bảo đảm nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn cung sản phẩm chăn nuôi bảo đảm dịp cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.