(HNM) - Không phải nhà ngôn ngữ học, chỉ từ ý tưởng phổ biến tiếng Mông để phục vụ công tác vận động quần chúng, Thượng úy Thao Duy Lênh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn biên phòng cửa khẩu Na Mèo - Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã tự tìm tòi, biên soạn giáo trình tiếng Mông. Tác giả nghiệp dư của bộ giáo trình, giáo án đó rất khiêm tốn khi bày tỏ suy nghĩ rằng đó chỉ là đóng góp nhỏ trong nhiệm vụ bảo vệ ANTT vùng biên cương...
Kể về ngày đầu nảy ra ý tưởng soạn giáo trình, Thượng úy Thao Duy Lênh nhớ lại ngày đầu vừa tốt nghiệp Đại học Biên phòng, về đồn nhận công tác xuống bản vận động, phổ biến chính sách pháp luật cho đồng bào. Người Mông ở Na Mèo chiếm khoảng 82% dân số nên giao tiếp chủ yếu bằng ngôn ngữ này. Bản thân Lênh giao tiếp với bà con thì không vấn đề gì, nhưng đồng đội của anh thì gặp rất nhiều khó khăn, bởi vốn từ dân tộc quá hạn chế. Mà không giao tiếp được với đồng bào thì có lặn lội xuống bản, có nhiều "cùng" cũng không đạt hiệu quả trong công tác... Sau 2 năm tự tìm tòi, học hỏi từ thực tế công tác, tìm gặp và trao đổi với những người am hiểu tiếng Mông, được sự động viên của Đảng ủy đồn, anh đã mạnh dạn đề xuất và xin phép mở lớp tiếng dân tộc Mông tại đơn vị cho đồng đội. Chỉ sau 3 tháng, 70% CBCS của đồn biết cơ bản ngôn ngữ giao tiếp của dân tộc Mông. Từ đó hiệu quả công tác được nâng cao, nhất là công tác nắm tình hình và công tác vận động quần chúng.
Nhờ CBCS biết tiếng Mông, nên nhận được sự hỗ trợ tốt từ bà con, Đồn biên phòng Na Mèo đã liên tục tổ chức, bắt giữ nhiều đối tượng là người dân tộc Mông có hoạt động phi pháp trên địa bàn biên giới. Trong đó có vụ án, nhờ thông thạo tiếng dân tộc, trinh sát đã khai thác được thông tin, phát hiện một nhóm có vũ trang buôn bán ma túy trong địa bàn đồn phụ trách. Nhờ đó, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã xác lập chuyên án đấu tranh. Trong chuyên án đó, Lênh được giao làm tổ trưởng tổ phục kích mũi nhọn. Đối tượng đã bị bắt gọn cùng 40kg thuốc phiện và 2 bánh hêrôin....
Với những thành tích, chiến công đó, Lênh đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng. Nhưng với anh, niềm vui và phần thưởng quý giá nhất là việc 76 bộ giáo trình, giáo án hoàn chỉnh về cấu trúc ngữ pháp, từ đơn giản đến phức tạp về tiếng Mông của anh đã được chính thức biên tập và trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo phê chuẩn, sử dụng làm tài liệu giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông trong toàn quốc. Điều đó sẽ góp phần để nhiệm vụ bảo vệ biên cương được hiệu quả hơn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.