Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lãnh đạo bằng cái tâm với sự kiên trì, sáng tạo

Hà Phong thực hiện| 19/03/2018 06:45

(HNM) - Chiều 17-3, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão chia sẻ, cá nhân ông có nhiều gắn bó trong quá trình công tác ở 5 khóa Trung ương Đảng và 4 khóa Quốc hội với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.


- Thưa ông, đánh giá chung về nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông cho rằng dấu ấn, điểm nhấn nào là quan trọng nhất?

- Sau khi đồng chí Võ Văn Kiệt về hưu, đồng chí Phan Văn Khải lên làm Thủ tướng ở thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á vào năm 1997 xảy ra nghiêm trọng. Nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Rất mừng là với bản lĩnh, sự cẩn trọng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã thận trọng tìm tòi, sáng tạo, khắc phục những khiếm khuyết của nền kinh tế để chủ động điều hành, chèo lái thành công, đưa con thuyền kinh tế Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng và tiếp tục phát triển. Ông làm việc chắc chắn, nói ít làm nhiều và rất quan tâm đến các ý kiến phản biện, thành lập Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Chia sẻ, lắng nghe các chuyên gia trong nước cũng như học hỏi kinh nghiệm nước ngoài như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore,… đã góp phần giúp ông đưa ra các giải pháp khống chế lạm phát, chính sách tài khóa, tín dụng hợp lý...

Nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định, có tích lũy cho đầu tư, phát triển. Thành tựu được nhiều người nhắc đến nhất là ban hành được Luật Doanh nghiệp năm 1999 - cơ sở, nền tảng cho sửa đổi các chính sách kinh tế sau này. Chính ông trình và bảo vệ Luật Doanh nghiệp trước Bộ Chính trị, Quốc hội. Trong đó, nhấn mạnh đến phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh, gồm có cả kinh tế tư nhân - một nguồn lực giàu tiềm năng của dân tộc ta - để góp phần quan trọng giải quyết việc làm, đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.

Ông cũng đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ vào năm 2005. Chuyến đi này đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia trên tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

- Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, đối với hoạt động Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực sau này là Thủ tướng Phan Văn Khải có dấu ấn rất quan trọng trong tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp những phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ông có thể cho biết về vấn đề này?

- Vào kỳ họp giữa năm 1994 của Quốc hội khóa IX, chúng ta bắt đầu có chủ trương truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội. Đây có thể nói là sự kiện rất quan trọng trong đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị nước ta và Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đã giao cho Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải bàn với lãnh đạo Quốc hội để triển khai. Phải nói, thời điểm đó, ngoài ý kiến đồng tình cũng có nhiều ý kiến phản đối, lo ngại nếu truyền hình trực tiếp dễ làm lộ bí mật quốc gia, hoặc bộ trưởng, Thủ tướng trả lời chất vấn, nếu có sơ suất trong trình bày sẽ bị đánh giá thấp, mất uy tín.

Trước vấn đề này, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải lúc bấy giờ rất thận trọng. Sau khi trao đổi kỹ với tôi và một số đồng chí lãnh đạo khác về đề án thực hiện, thấy việc chuẩn bị công phu, chu đáo, ông không những không phản đối mà còn ủng hộ cho triển khai. Có thể nói, ông đã vượt qua những e ngại của các thành viên Chính phủ lúc đó và thể hiện là một con người có tư duy đổi mới.

- Kỳ họp lần đầu tiên nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội diễn ra thế nào, thưa ông? Ông có nhìn nhận gì về cách giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải?

- Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội rất nghiêm túc. Mặc dù nhiều câu hỏi ở các vấn đề khác nhau nhưng câu trả lời của ông lúc đó đều đi vào trọng tâm, giải thích rõ ràng, không hề né tránh. Tôi nhớ mãi trong nhiều năm trước, chúng ta có chủ trương đưa điện về nông thôn. Tuy nhiên, vì ngân sách nhà nước có hạn nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu ở các thành phố, còn ở nông thôn thì không.

Trong bối cảnh này, Chính phủ kêu gọi nhân dân ở vùng nông thôn cùng tham gia bằng cách góp tiền xây dựng các đường dây đưa điện về làng xóm. Sau đó, việc nhân dân ở vùng nông thôn phải bỏ tiền ra để xây dựng hệ thống dây dẫn điện về làng cùng với việc phải trả tiền điện cao hơn ở thành phố đã gây ra bức xúc trong nhân dân. Vì vậy đã xuất hiện yêu cầu phải trả lại nhân dân ở vùng nông thôn số tiền đã đóng góp để cho công bằng với thành phố. Việc này đã được đưa vào nghị trường.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư khi đó đã trả lời chất vấn về vấn đề này liên tiếp trong 4 kỳ họp nhưng vẫn không làm thỏa mãn được các vị đại biểu Quốc hội. Vấn đề chính ở đây là trả tiền cho nhân dân thì Bộ trưởng Đặng Vũ Chư lại không thể nói ra vì việc này ngoài tầm của Bộ Công nghiệp. Lúc đó, tôi đã gặp nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để nói rõ suy nghĩ của mình về vấn đề này, đề nghị Chính phủ tổ chức một cuộc họp bàn, bố trí một khoản ngân sách giải quyết việc nêu trên mới có thể yên lòng dân được.

Sau đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã tổ chức họp bàn ở Chính phủ. Và khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông đã phân tích tình hình và đề nghị thay vì trả cho từng người dân số tiền đó thì chuyển về cho từng xã để làm quỹ xây dựng hạ tầng, trước hết là nâng cấp hệ thống điện, giảm thiểu thất thoát, bớt đi giá tiền điện mà mỗi hộ dân phải trả. Ý kiến này của nguyên Thủ tướng được Quốc hội nhất trí và ủng hộ cao. Có thể nói, đó là lần trả lời chất vấn trước Quốc hội gây ấn tượng mạnh trong tôi và hay nhất của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, thể hiện sự tiếp thu ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội trước các vấn đề hóc búa một cách rất đáng khen ngợi.

- Gắn bó trong công việc ở 5 khóa Trung ương Đảng và 4 khóa Quốc hội với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, được tiếp cận gần nguyên Thủ tướng về nhiều công việc, tâm tư tình cảm...; ông thấy nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có ấn tượng, kỷ niệm đặc biệt gì với Hà Nội?


- Từ nghèo khó đi lên, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải hiểu nỗi lòng dân, sống nhân đức, chan hòa, dù “anh Sáu” lên làm Thủ tướng, nhưng vẫn gần gũi tất cả mọi người. Khi ông là Thủ tướng, tôi là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông vẫn coi là người bạn cũ, chia sẻ nhiều điều.

Với Hà Nội, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn dõi theo với tình cảm đặc biệt. Ngoài những đánh giá và chỉ đạo đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong tiến trình phát triển của đất nước, ông cho rằng, Hà Nội có tiềm lực phát triển rất tốt, vượt ra nhiều khó khăn thử thách đạt rất nhiều thành tựu quan trọng.

Song, trong một số lĩnh vực cụ thể, Hà Nội còn có những bước đi chậm nên trong lòng ông có lúc còn những băn khoăn, trăn trở. Nhưng qua trao đổi, nguyên Thủ tướng cũng nhận định, với vị thế đặc biệt, mỗi nhiệm vụ, mỗi công việc đều luôn đặt ra những yêu cầu cao, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Thủ đô phải thận trọng, nỗ lực phấn đấu, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô của đất nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người lãnh đạo bằng cái tâm với sự kiên trì, sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.