Nguyên là Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội, ông Đặng Duy Phúc đến với thơ tự nhiên như duyên phận. Với một tâm hồn thơ sâu sắc, chứa đựng giá trị lịch sử to lớn, đúng như Giáo sư Hà Văn Trần, Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhận xét:
Nguyên là Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội, ông Đặng Duy Phúc đến với thơ tự nhiên như duyên phận. Với một tâm hồn thơ sâu sắc, chứa đựng giá trị lịch sử to lớn, đúng như Giáo sư Hà Văn Trần, Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhận xét: Càng đọc, càng thấy khâm phục Đặng Duy Phúc, bởi thơ ông đã nói lên nhiều điều không phải ai cũng biết, đó là một làng quê đất Lam Hồng hào kiệt - nơi sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, tài tử văn nhân. Đó là những vị cổ nhân sống mãi trong lòng dân tộc như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Đặng Tất, Đặng Dung. Tập thơ hơn 300 trang, gồm 4 chương do NXB Hà Nội ấn hành còn chứa đựng tình yêu quê hương của tác giả với tác phẩm "Về Tiên Điền" - nơi Đặng Duy Phúc sinh ra và với tất cả cảnh vật, con người trong thơ ông đều toát lên tình yêu quê hương, sự kính trọng các bậc tiền nhân hào kiệt.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã cảm nhận và nhận xét về thơ của Đặng Duy Phúc: "Cách viết mộc mạc nhưng không kém phần duyên dáng, ông kỹ sư đã lần lượt giới thiệu cảnh vật, con người của quê hương đã từng sản sinh ra nhiều tên tuổi lớn dưới dạng những tiểu truyện". Nhà thơ Bằng Việt đọc thơ của Đặng Duy Phúc khẳng định: "...gần như không định làm thơ mà anh có thơ, đó chính là ưu điểm của thơ anh, một người ấp ủ những tâm sự, nhiều tình nghĩa và với thời gian, tình cảm ấy tự chín dậy thành thơ".
Trong gần 17 năm sau khi nghỉ hưu (1996-2013), tình yêu với lịch sử, quê hương, đất nước đã thôi thúc Đặng Duy Phúc sáng tác tới 18 tập sách, trong đó có 13 tập về lịch sử và 5 tập thơ. Cuốn gần đây nhất, ấn hành đầu năm nay có tên "Đại thắng lừng danh đất Việt" đã mang lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Trước đó, nhiều cuốn sách ông viết chủ đề lịch sử như "Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội, quê hương và nơi hội tụ nhân tài" được tái bản 3 lần; "Hoàng đế Trung Hoa" tái bản 4 lần; rồi đến "Việt Nam anh kiệt", "Giản yếu sử Việt Nam" đều tái bản lần hai. Nhiều tác phẩm khác được các báo in, nói, hình, báo tiếng Pháp, Anh giới thiệu quảng bá tại thư viện các nước Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản...
Đáng trân trọng và khâm phục hơn, nay đã ở tuổi 80, ông vẫn say sưa đọc, viết và với ông, những danh tài của đất nước ghi dấu trong tâm trí, trái tim ông, để ông khái quát, dựng lại sống động trong từng trang sách đã, đang và sẽ tiếp tục được viết...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.